Tìm hiểu về bệnh thối nõn trên cây dứa

Ở kỳ trước, AVN đã cùng bà con tìm hiểu về một số sâu hại phổ biến trên cây dứa (cây khóm). Chuyên mục hôm nay, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về một loại bệnh hại rất phổ biến mà nguy hiểm trên cây dứa – bệnh thối nõn. Bệnh thối nõn làm thối ngọn, thối quả dứa, gây suy giảm năng suất vụ dứa nghiêm trọng nếu không được kịp thời phát hiện và khắc phục.

Nguyên nhân gây bệnh thối nõn trên cây dứa

Bệnh thối nõn trên cây dứa

Bệnh thối nõn trên cây dứa chủ yếu do nấm Phytophthora nicotianae và Phytophthora parasitica gây nên. Hai loài nấm này phát sinh trong điều kiện nhiệt độ từ 15-22 độ C, độ ẩm không khí trên 80% kèm theo mưa phùn và sương mù. Do vậy, bệnh phát triển mạnh vào tháng 1-tháng 3, đây là quãng thời gian lý tưởng để bệnh sinh trưởng và phát triển với những điều kiện nói trên.

Bệnh gây hại nặng nhất ở giai đoạn dứa mới trồng từ 2-5 tháng. Ngoài ra, những vườn dứa bón phân không hợp lý, đặc biệt là bón quá nhiều đạm cũng dễ mắc bệnh này

Trong một số trường hợp, cây dứa bị thối nõn phát sinh thêm mùi khó chịu thì lúc đó, cây dứa đã bị nhiễm thêm vi khuẩn Pseudomonas và Erwinia. Hai loại vi khuẩn này gây nên hiện tượng thối bó mạch dẫn trong cây dứa, tạo nên mùi khó chịu đặc trưng.

Triệu chứng cây dứa nhiễm bệnh thối nõn

– Khi cây bị bệnh, đỉnh sinh trưởng bị thối, vết bệnh xuất hiện thân cây và gốc lá có màu trắng đục lõm xuống, đường kính khoảng 0,5-1cm. Lá chuyển dần sang màu vàng, nâu, rồi đỏ, cuối cùng là cong lại và chết khô. Lá bị nhiễm bệnh có thể được kéo ra khỏi cây dễ dàng và khi bệnh phát triển nặng, cây sẽ chết.

– Rễ cây dứa bị thối đen, vỏ rễ có thể dễ dàng bị tước đi khỏi cây. Bà con lay gốc dứa, nếu cây nhiễm bệnh sẽ dễ dàng bị bật lên.

– Quả bị bệnh thường bị thối nâu. Vết bệnh lan dần từ vùng cuống quả trở xuống. Bệnh khiến quả bị nứt, thịt quả bị thối nhũn, chảy nước có mùi hôi chua và có thể thấy tơ nấm trắng phát triển trên vết bệnh.

Bệnh xuất hiện giai đoạn sớm ngay sau khi trồng có thể gây chết cây con. Nếu xuất hiện giai đoạn muộn sẽ gây ảnh hưởng đến hương vị và năng suất của dứa thương phẩm.

Bệnh thối nõn dứa

Cách phòng trừ bệnh thối nõn trên cây dứa

– Vì loài nấm gây bệnh thối nõn trên dứa có thể tồn tại đến 6 tháng trong đất nên trước khi gieo trồng, bà con cần vệ sinh đồng ruộng kỹ, không để lại tàn dư gây bệnh. Bà con nên bón vôi khử trùng và cải tạo pH đất. 

– Nấm bệnh có thể thâm nhập qua vết thương cơ giới trên cây dứa nên trong quá trình chăm bón cần cẩn thận.

– Quản lý việc tưới tiêu nước tốt, tránh để ngập ứ nước, tạo điều kiện cho nấm bệnh phát triển.

-Thường xuyên dọn sạch cỏ dại để vườn được thông thoáng.

– Bón phân cân đối hợp lý, tránh dư đạm, bổ sung phân bón vi lượng để cây cứng cáp, đề kháng tốt.

– Bà con có thể phun thuốc phòng hoặc trị bệnh thối nõn bằng thuốc có hoạt chất có hoạt chất Methidathion, Fosetyl Aluminium… kết hợp với dầu khoáng để tăng khả năng trị bệnh.

– Sau vụ dứa, bà con nên thực hiện luân canh với những cây trồng khác như lúa, mía, và các cây họ đậu… để cắt đứt nguồn bệnh.