Bệnh thối đọt non trên cây ớt

Thời tiết mưa nhiều, nóng ẩm là điều kiện lý tưởng để các loài nấm bệnh gây hại cây ớt. Trong đó nấm Choanephora cucurbitarum là nguyên nhân gây nên bệnh thối đọt non. Cây ớt nhiễm bệnh trở nên còi cọc, ốm yếu, không phát đọt. Cây bị giảm sức đề kháng, yếu ớt, dễ bị nhiễm thêm các loại bệnh hại khác. Nấm bệnh gây hại nặng còn khiến hoa, quả ớt hư thối, rụng hàng loạt, làm suy giảm năng suất.

Cùng AVN tìm hiểu về loại bệnh này và cách phòng trị nhé!

Biểu hiện của bệnh thối đọt non trên cây ớt

Bệnh thối đọt non trên cây ớt

Bệnh thối đọt non thường gây hại trên hoa, chồi hoa, hoặc các nhánh non mới hình thành từ 5-7 ngày của cây ớt.

Ở các bộ phận này sẽ có các vết bệnh màu nâu hoặc màu đen. Nấm bệnh sau đó sẽ phát triển nhanh và lây lan xuống dưới các bộ phận khác của cây. Đọt non của cây ớt chết đi. Bà con chạm vào sẽ có cảm giác ướt mềm và có mùi thối thoát ra.

Trong điều kiện ẩm độ cao, nơi phần bị thối ta thường thấy có tơ nấm màu trắng và tận cùng có phình tròn màu đen.

Bệnh thối đọt non trên cây ớt sinh trưởng trong điều kiện nào?

Bệnh thối đọt non ớt do nấm Choanephora cucurbitarum gây ra. Loài nấm này sinh trưởng mạnh trong mùa mưa hoặc gặp khi thời tiết ẩm có nhiệt độ khá cao. Nhất là khi trời âm u nhiều sương mù.

Bệnh cũng phát sinh trên ruộng ớt trồng dày, úng nước trong mùa mưa.

Cách phòng và trị bệnh thối đọt non trên cây ớt

Bệnh thối đọt non trên cây ớt

– Chọn giống ớt khỏe, kháng bệnh.

– Trước khi gieo trồng nên cải tạo đất, dọn sạch tàn dư vụ trước.

– Trồng ớt với mật độ khuyến cáo của Trung tâm khuyến nông, tránh trồng dày. Thường xuyên dọn dẹp cỏ dại, tạo độ thông thoáng cho vườn ớt.

– Hạn chế gieo trồng ớt vào mùa mưa bởi điều này thường khiến cây sinh trưởng kém, dễ nhiễm nấm bệnh.

– Khi gieo trồng nên lên liếp, vun luống, tao hệ thống tiêu nước tốt để tránh ngập úng.

– Khi cây ớt có dấu hiệu nhiễm bệnh, bà con ngưng việc tưới nước vào buổi chiều mát. Phun thuốc BVTV chứa hoạt chất Difenoconazole, Azoxystrobin, Hexaconazole… để diệt trừ nấm bệnh.