Phòng và trị bệnh cháy lá lúa do vi khuẩn

Hiện nay, trà lúa vụ Chiêm-Xuân đã trổ bông. Giai đoạn này, cây lúa bị đe dọa bởi rất nhiều loài sâu hại như sâu cuốn lá, rầy nâu, sâu đục thân… Ngoài ra, thời điểm này nền nhiệt cao cùng với lượng mưa thường xuyên cũng tạo điều kiện cho vi khuẩn gây hại lúa. Trong đó, vi khuẩn Xanthomonas 0ryzae pv. Oryzae gây nên bệnh cháy lá rất đáng lo ngại.

Cùng AVN tìm hiểu về loại bệnh này!

Điều kiện phát sinh bệnh cháy lá lúa do vi khuẩn

Bệnh cháy lá lúa do vi khuẩn

Bệnh cháy lá lúa do vi khuẩn Xanthomonas 0ryzae pv. Oryzae gây ra khi gặp điều kiện thích hợp. Cụ thể: Bênh phát sinh khi gặp độ ẩm không khí cao, thời tiết âm u, mưa nhiều, liên tục. Bệnh tiến triển nhanh và lan truyền mạnh ở nhiệt độ 26 độ C – 30 độ C, độ ẩm không khí từ 90% trở lên.

Loài vi khuẩn này có thể sống trong nước 15 – 38 ngày. Chúng có thể tồn tại trong hạt giống 7 – 8 tháng và trong rơm rạ 3 – 4  tháng. Chúng gây hại cho cây lúa qua các vụ canh tác trên ruộng thông qua các ký chủ là rơm rạ, lúa chét, lúa rài kể cả các loại cỏ dại mọc ven ruộng như cỏ lồng vực, cỏ đuôi phụng, cỏ chỉ…

Vi khuẩn gây bệnh cháy lá gây hại trên cây lúa như thế nào?

Đầu tiên, vết bệnh là những vệt nhỏ trong suốt nằm giữa các gân lá, sau đó vết bệnh lớn dần và chuyển sang màu vàng nâu. Chỗ bệnh thường trở nên trắng mờ, trong vết bệnh là dịch vi khuẩn thường nhỏ giọt ra ngoài vào sáng sớm, chiều tối và ban đêm, sau đó làm cho lá khô, mất khả năng quang hợp. Vết bệnh ban đầu bệnh xuất hiện từ chóp lá, sau đó lan dần xuống dưới ở hai bên bìa lá. Bệnh gây hại nặng sẽ khiến hai bìa lá có gợn sóng đặc trưng.

Bệnh cháy lá do vi khuẩn có thể phát sinh ở bất kỳ giai đoạn sinh trưởng nào của cây lúa, song chủ yếu gây hại cây lúa ở tuổi thuần thục, hại nặng vào thời kỳ cây lúa đứng cái, làm đòng và trổ bông.

Vi khuẩn Xanthomonas 0ryzae pv. Oryzae xâm nhập cây lúa qua vết thương trên lá do mưa, bão hoặc qua vết chích của rầy nâu hoặc tuyến trùng.

Cách phòng trị bệnh cháy lá lúa do vi khuẩn

– Do vi khuẩn trú ngụ và có khả năng tồn tại rất lâu trong rơm rạ, cây cỏ… ven ruộng nên điều đầu tiên để phòng trị bệnh cháy lá lúa do vi khuẩn là bà con cần dọn dẹp, vệ sinh đồng ruộng kỹ càng, sạch sẽ.

– Sử dụng giống khỏe, kháng bệnh.

– Bón phân cân đối, bổ sung vi lượng để cây lúa cứng cáp, đề kháng tốt.

– Thường xuyên thăm đồng để kịp thời phát hiện bệnh. Khi bệnh mới xuất hiện thì rút nước ra và tiến hành rải vôi với liều lượng 10 – 20kg/1.000m2 và sử dụng thuốc BVTV chứa hoạt chất Fosetyl-Aluminium 80%, Kasugamycin 2%, Chaetomium cupreum 1.5x106Cfu/g… để phun trừ.