Những loại sâu ăn lá phổ biến trên cây trồng

Sâu ăn lá có thể nói là “hung thần” của các vựa rau. Nếu không phát hiện được kịp thời, vườn rau của bà con trong một thời gian ngắn có thể trơ trọi, lá mất hết phiến, chỉ còn lại cuống, rau giảm hình thức lẫn năng suất nghiêm trọng.

Dưới đây là một số loại sâu ăn lá thường xuất hiện trên cây trồng mà bà con cần lưu ý!

1.Sâu xanh ăn lá

Sâu xanh ăn lá có tên khoa học là Diaphania indica là một côn trùng gây hại nông nghiệp thuộc họ Pyralidae. Loại sâu này gây hại chủ yếu trên cây trồng họ bầu, bí, rau muống, cà, ớt, đậu đỗ…

Vòng đời của sâu phụ thuộc vào điều kiện nhiệt độ ngoài trời, trung bình kéo dài từ 35 đến 70 ngày.

Nhộng của sâu xanh ăn lá mang màu nâu vàng, trứng màu ngọc trai và có hình bán cầu. Sâu bắt đầu sinh trưởng có màu xanh nhạt chuyển dần đến nâu vàng, cuối cùng là hồng hay nâu xám, và màu sắc này phụ thuộc nhiều vào màu sắc của loài lá mà chúng tấn công.

Không chỉ ăn lá, chúng còn đục vào phần nụ và quả non rồi ăn rỗng ở bên trong làm quả non, nụ rụng xuống. Loài sâu này gây hại quanh năm song mạnh nhất là vào mùa xuân và đầu hè.

2. Sâu vẽ bùa

Sâu vẽ bùa tạo ra các đường ngoằn ngoèo trên phiến lá

Sâu vẽ bùa thuộc họ Phyllonistidae, vòng đời chỉ kéo dài từ 14 đến 32 ngày. Khi trưởng thành, sâu hóa bướm nhỏ màu trắng bạc. Loài sâu này ban ngày đậu trên lá, xẩm tối bắt đầu hoạt động tấn công, chúng hút những lớp biểu bì lá bên trong rồi tạo thành các đường ngoằn ngoèo như vẽ bùa. Do đó, cây bị cuốn lại, mất đi khả năng quang hợp. Nếu sâu vẽ bùa hoạt động mạnh sẽ gây bệnh lở loét cho cây, sau một thời gian sẽ khiến cây rụng lá.

3. Sâu xám

Sâu xám có tên khoa học là Agrotis ipsilon Rott, đây là loài sâu đa thực, phá hoại hàng loạt cây lương thực, thực phẩm (ngô, đậu, lạc, cà chua, cây họ bầu bí…)

Vòng đời của chúng thường trải qua 4 giai đoạn cơ bản là bướm, trứng, sâu non và nhộng. Bướm thường có màu nâu sẫm hoặc xám và dài khoảng 16 đến 23 mm. Trứng của sâu xám có hình bán cầu, lúc đầu màu trắng sữa, sau dần chuyển sang màu hồng hoặc tím. Sâu non có màu xám đen hoặc đen bóng và sống từ 22 đến 53 ngày.

Ở giai đoạn tuổi 1 – 2, sâu xám sẽ gặm những biểu bì và ăn thủng lá, đến 3 tuổi thì sẽ cắn đứt thân cây con. 

4. Sâu khoang – Sâu ăn tạp

Sâu khoang – Sâu ăn tạp

Chỉ nghe tên là thấy độ “tạp” của loại sâu này rồi. Chúng không chỉ tác động đến 1 cây mà còn gây ảnh hưởng đến nhiều loại cây trồng khác, sâu khoang – sâu ăn tạp thường gây hại trên bắp cải, khoai tây, khoai sọ, cà, khoai lang…

Đặc tính của loài này là hay đẻ trứng trên thành tổ, bao phủ bên ngoài lớp lông mịn. Sâu non lúc thì sống theo đàn nhưng khi lớn lên thì di chuyển riêng lẻ.

Vòng đời của sâu khoang kéo dài từ 22 – 30 ngày. Sâu khoang non 6 tuổi, màu chuyển dần từ xanh lục đến nâu vàng. Sâu đẫy sức thường có màu xám hoặc đen sẫm và có chiều dài 38 – 50mm. 

5. Sâu tơ

Sâu tơ là loại sâu gây hại phổ biến nhất trên cây trồng. Đặc tính của chúng là rất thích ăn lá nhưng lại chỉ ăn phần dưới của lá nên rất khó nhận ra rằng vườn đang có sâu phá hoại. Do đó, bà con thường xuyên phần dưới của lá để phát hiện sớm và đưa ra biện pháp khắc phục kịp thời.

Để diệt trừ sâu ăn lá, bà con có thể dùng tay bắt sâu, sử dụng thiên địch để giảm dần lượng sâu trên vườn. Khi tình hình sâu hại nặng, bà con có thể dùng chế phẩm sinh hoặc hoặc thuốc trừ sâu để phun trừ. Chú ý rằng, việc sử dụng phải đảm bảo nguyên tắc 4 đúng nhé!