Kỹ thuật trồng hoa cúc

Thời gian này là thời điểm vàng để trồng hoa cúc cho dịp Tết cổ truyền. Ngoài việc làm đất, bón phân, tưới nước hợp lý, bà con cần phải có kỹ thuật trồng để cây cúc cho hoa sai, đẹp.

Dưới đây là những kỹ thuật bà con cần nắm rõ để có vụ hoa chất lượng cao, đem lại giá trị kinh tế lớn.

Bấm ngọn, tỉa cành

Tỉa cành và bấm ngọn là những kỹ thuật quan trọng giúp cây hoa cúc cho hoa đẹp, đúng màu vụ. Tùy từng giống cúc và nhu cầu mà bà con cần lựa chọn kỹ thuật bấm ngọn, tỉa mầm phù hợp.

Bấm ngọn giúp cây phát triển nhánh mới, cho hoa ra nhiều bông và cây phát triển đồng đều.

Tỉa cành giúp loại bỏ những cành yếu, cành khô và tạo điều kiện cho cây phát triển tốt hơn, đồng thời giúp cây ra hoa đều và đẹp hơn.

Để hoa cúc bông to, đẹp, cần thực hiện bấm ngọn tỉa cành

Bấm ngọn

– Nếu muốn cây cúc có cành mập, hoa đơn bông to, cần phải tỉa bỏ hết các mầm nhánh phụ mọc từ nách lá, chỉ để lại một nụ chính trên đỉnh thân. Cách làm này áp dụng đối với những giống hoa to, thân cứng, thẳng, bộ lá gọn.

– Nếu muốn cúc nhiều hoa trên thân thì phải bấm ngọn cho cây. Có 3 hình thức bấm:

– Bấm ngọn sớm 1 lần: Thực hiện sau khi trồng cúc được 15 – 20 ngày. Bà con tiến hành bấm ngọn, tỉa bớt nhành chỉ để lại 3 – 4 nhánh. Cách làm này áp dụng đối với những giống cúc có đường kính hoa trung bình 6 – 8 cm hoặc “thu cúc lần 2” tức là sau khi thu hoạch lần 1 các mầm giá mọc lên, để mỗi gốc 3 – 4 mầm và nuôi dưỡng thu hoa lần 2.

– Bấm ngọn muộn 1 lần tạo tán: Đối với giống cúc chùm, sau khi cây ra rất nhiều cành nhánh và nhiều nụ/cành, bà con tiến hành ngắt nụ đỉnh để kích thích các nụ bên phát triển đồng đều. Bà con tỉa bớt các cành nhánh ở phía dưới chỉ để lại khoảng 4 – 5 cành, hoặc có thể để nguyên nụ chính, chỉ tỉa bớt cành nhánh phía dưới gốc, để lại 4 – 5 nhánh phía trên thì nụ chính sẽ nở trước và to hơn so với các nụ bên.

– Bấm ngọn nhiều lần: Với một số giống cúc có hoa nhỏ, đường kính bông 1- 3 cm, dạng cây bụi, thân mềm, khả năng phát sinh cành nhánh mạnh, việc bấm ngọn có thể tiến hành từ 2 – 3 lần tuỳ theo sức cây và khả năng chăm bón. Lần 1 bấm sau trồng 15 – 20 ngày, sau 15 ngày bấm tiếp lần 2 và có thể bấm lần 3 – 4 đến khi cây có đủ nhánh, đủ cành để tạo thế, dáng cho cây, sau đó vặt bỏ các mầm nách không cần thiết và các nụ con ra sau để hoa nở đồng đều. Bằng cách này ta đã tạo ra 1 cây cúc hình cầu hoặc hình mâm xôi từ 1 thân ban đầu.

Tỉa mầm nhánh

Đi đôi với việc bấm ngọn tạo nhánh và tán cho cây, cũng phải thường xuyên bấm, tỉa bỏ hết các cành, các nhánh không cần thiết để cây tập trung nuôi dưỡng mầm hoa chính.

Đối với cúc đơn bông, bà con cần vặt bỏ các mầm nách và nụ bên. Thực hiện vặt bỏ ngay khi còn bé để chúng không tiêu hao chất dinh dưỡng của nụ chính, giúp nụ hoa chính to, đẹp.

Bà con chú ý tỉa cành không nên quá mạnh tay, chỉ nên cắt những cành yếu hoặc những cành mọc quá dày để tránh làm tổn thương cây.

Làm cọc, giàn cho hoa cúc

Làm giàn để cây thẳng, đứng, không bị gãy đổ và sai hoa

Hoa cúc, đặc biệt là những giống cao và có nhiều bông, dễ bị gió lớn hoặc mưa làm ngả đổ. Việc làm cọc hoặc giàn giúp cây hoa cúc đứng thẳng, giữ cho thân cây không bị đổ, gãy. Điều này giúp cây phát triển ổn định, không bị ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và sự ra hoa.

Khi cây được nâng đỡ, nó có thể phát triển theo chiều thẳng đứng, tạo điều kiện để các bông hoa ra đều và không bị khuất bóng. Điều này cũng giúp cây có đủ không gian để nhận ánh sáng, từ đó giúp cây sinh trưởng và ra hoa tốt hơn.

Không chỉ vậy, nhờ có cọc, giàn, các bông hoa sẽ không bị vẹo, bị gãy hoặc bị dập nát do sự tác động của gió hoặc trọng lượng của hoa. Việc này giúp hoa giữ được hình dáng đẹp và chất lượng cao, đặc biệt là đối với các giống hoa cúc cắt cành, được sử dụng trong trang trí hoặc bán ra thị trường.

Cách làm cọc, giàn như sau:

– Với những loại cúc có thân cứng, một hoa hoặc ít hoa trên bông có thể làm giàn lưới hoặc giàn dây thép. Dây thép nhỏ đan thành từng ô, mỗi một ô giữ 1 cây hoặc vài cây. Khi cây lớn nâng dần lưới lên phía trên giúp đỡ phần ngọn cho cây. Để tiết kiệm nguyên liệu làm giàn, chỉ cần một số cọc tre nhất định cắm hai bên mép luống, khoảng cách 2 m. Sau đó dùng lưới đan sẵn căng trên mặt luống hoặc dây ni lông đan thành các mắt lưới .

Khi cây cúc cao 0,8 – 1,0 m có thể làm 2 lớp giàn, lớp dưới cách mặt đất 40 cm, lớp trên cách mặt đất 70 cm để cùng giữ cho cây.

– Trường hợp loại cúc có tán rộng, nhiều cành, cắm 3 – 5 cọc xung quanh một cây, dùng dây mềm dằng nhẹ xung quanh khóm để không làm gẫy cành, dập hoa

Điều tiết sinh trưởng, ra hoa

Thời tiết Việt Nam vụ Đông-Xuân diễn biến khá phức tạp, nhiệt độ và lượng mưa thất thường, không cố định tuần hoàn. Do đó, bà con cần có ứng biến phù hợp để điều tiết sinh trưởng của hoa cúc để hoa nở đúng vụ.

Hầu hết các giống hoa cúc trồng vụ Thu, Đông, rất mẫn cảm với ánh sáng ngày ngắn. Trong điều kiện trồng vào thời vụ tháng 9 – 12, cây gặp điều kiện ánh sáng ngày ngắn sẽ phân hóa nụ hoa ngay khi trồng, dẫn đến chât lượng hoa kém: cành ngắn, hoa bé. Để tránh hiện tượng ra hoa sớm cho cúc ở thời vụ này cần phải chiếu sáng bổ sung cho cây.