Cách trị nhện đỏ trên hoa hồng

Nhện đỏ là một loài sâu bệnh phổ biến trên hoa hồng. Bệnh do một loại rệp chích hút nhựa của lá gây nên. Nhện đỏ hại hoa hồng có tên khoa học là Tetranychus sp, thuộc họ Tetranychidae và bộ Acarina. Chúng có màu đỏ hoặc hồng. Bà con có thể quan sát bằng mắt thường song để chi tiết hơn cần dùng đến kính lúp.

Khi hoa hồng bị nhiễm nhện đỏ, lá sẽ không còn khả năng tổng hợp các chất dinh dưỡng cần thiết cho cây. Cây có thể trở nên còi cọc, phát triển chậm, không nở hoa hoặc có ít hoa và nhỏ.

Dấu hiệu cây hoa hồng bị nhện đỏ

Như đã nói trên, nhện đỏ có màu đỏ hoặc hồng. Chúng có kích thước nhỏ. Quan sát bằng mắt thường sẽ cảm thấy chúng gần như những chấm đen li ti trên vật thể trong suốt. Khi nhện trưởng thành sẽ có chiều dài khoảng 0,2 mm, di chuyển chậm, thân hình tròn, đỏ mọng.

Nhện đỏ chích hút ở mặt sau lá hoa hồng

Thức ăn chính của loài nhện đỏ này là chất diệp lục của lá cây. Do đó, khi cây hoa hồng bị nhện tấn công, chúng hút hết chất diệp lục ra khỏi lá, khiến lá trở nên bạc màu. Chúng hút chủ yếu ở mặt dưới lá hoa hồng. Dần dần, nhện đỏ có thể gây rụng lá hoàn toàn cây nếu không được xử lý và loại bỏ. Lá giữa và lá dưới rụng dần về phía ngọn, cành khô héo. Bị nhện đỏ gây hại nặng có thể khiến cây chết hoàn toàn.

Ngoài ra, nhện đỏ gây hại hoa hồng còn có biểu hiện bằng những đốm vàng xuất hiện trên lá. Các đốm vàng do bệnh nhện đỏ hoa hồng gây ra có màu vàng xám đặc trưng. Khác hoàn toàn với bệnh vàng lá do nấm hoa hồng hoặc bệnh phấn trắng gây ra. Mặt dưới lá có những đốm đỏ rất nhỏ, dùng tay miết lên lá sẽ thấy ướt. 

Thời điểm phát sinh nhện đỏ trên hoa hồng

Bệnh nhện đỏ phát sinh mạnh trong điều kiện thời tiết nóng và khô, cụ thể:

  • Mùa nắng: Xuất hiện liên tục do thời tiết khô và nóng.
  • Mùa mưa: Nhện xuất hiện trong thời gian ngắn 2-3 ngày, khi khí hậu khô nóng (ngừng mưa và khô ráo), nhện sẽ không xuất hiện trong những ngày mưa ẩm.

Nắm được đặc điểm này, bà con sẽ có cách phòng trị phù hợp, hiệu quả.

Cách trị nhện đỏ trên hoa hồng

Nhện đỏ khiến cây hoa hồng còi cọc, sinh trưởng kém

– Trường hợp nhện mới xuất hiện, chưa gây hại nặng:

Bà con có thể sử dụng các biện pháp vật lý – xả nước thường xuyên để kiểm soát dịch hại. Cụ thể, bà con cần phun nước với áp lực mạnh vào tán lá để rửa trôi trứng nhện đỏ. CÁch làm này hiệu quả cho giai đoạn trứng song không nên thực hiện thường xuyên vì nước áp lực mạnh dễ gây dập lá. Từ các vết thương cơ giới này sẽ tạo điều kiện cho nấm bệnh phát triển.

Bà con chỉ nên tiến hành vệ sinh liên tục, 1-2 ngày một lần, làm khoảng 3-4 lần. Sau đó thực hiện 1-2 lần/tuần để phòng trị mà không cần dùng tới thuốc.

– Trường hợp nhện đỏ gây hại nặng:
Đầu tiên bà con cần làm sạch cỏ dại, thu gom lá rụng ở gốc, bấm hoa và cắt tỉa cành cho gọn gàng, thoáng mát. Sau đó thực hiện các biện pháp vật lý – phun nước. Đợi cây khô ráo hoặc sang ngày hôm sau tiến hành phun thuốc diệt nhện đỏ. Do nhện đỏ sống ở dưới lá nên khi phun phải xịt toàn bộ cây, đặc biệt nghiêng vòi phun từ dưới lên cho ướt mặt dưới lá để thuốc đến được trứng và nhện. Bà con có thể sử dụng các loại chế phẩm sinh học như dầu neem, chế phẩm rượu tỏi ớt, các loại thuốc trừ sâu sinh học để phun qua lá. Phun từ 1 – 2 tuần/lần tùy theo khuyến cáo của mỗi loại, phun khi thấy triệu chứng có nhện đỏ gây hại ít.

Hoặc phun thuốc BVTV hóa học chứa hoạt chất Spirodiclofen để phun trừ.