Để cây sinh trưởng và phát triển tốt không thể thiếu đi sự có mặt của phân bón. Tuy nhiên, do tâm lý muốn cây sinh trưởng nhanh mà nhiều bà con nông dân bón phân bất chấp liều lượng khiến cây bị ngộ độc.
Dưới đây là những dấu hiệu khi cây bị ngộ độc phân bón và cách xử lý phù hợp.
Dấu hiệu cây trồng bị ngộ độc phân bón
Sau khi bón phân, nếu thấy cây có những dấu hiệu sau thì khả năng cao là cây đã bị ngộ độc phân bón:
- Lá bị cháy, xoăn, co rút và trở nên dị dạng
- Lá có màu xanh bất thường
- Lá bị vàng, héo rủ khi nắng lên
- Cây bị ngộ độc nhẹ thường phát triển nhanh hơn so với bình thường, mọc thêm nhiều nhánh nhưng yếu, dễ gãy.
- Cây dần trở nên héo hoàn toàn, ngã gục rồi chết
- Khi nhổ cây lên sẽ thấy đầu rễ bị đen, không thể hút được nước và khoáng
Nguyên nhân khiến cây trồng bị ngộ độc
Cây bị ngộ độc phân bón có thể do một trong các nguyên nhân sau:
- Do sử dụng quá liều lượng phân bón: Tức là sử dụng lượng phân bón quá nhiều so với nhu cầu và ngưỡng chịu đựng của cây.
- Do sử dụng loại phân bón không phù hợp với gốc đất và tình trạng cây trồng: Mỗi một nền đất, mỗi một loại cây và mỗi giai đoạn sinh trưởng của cây trồng có nhu cầu bổ sung dinh dưỡng khác nhau. Việc rập khuôn áp dụng từ cây này qua cây khác, vùng đất này sang vùng đất khác sẽ dễ gây ra tình trạng ngộ độc cho cây trồng.
- Do không làm theo hướng dẫn sử dụng: Nhiều bà con trộn phân theo cảm tính mà không tuân thủ hướng dẫn của nhà sản xuất cũng dễ dẫn đến tình trạng cây bị ngộ độc.
- Do không tưới nước đầy đủ sau khi bón phân: Nhất là với phân bón hóa học, sau khi bón phân mà không cung cấp nước đầy đủ cho cây sẽ khiến cây khó hấp thu dinh dưỡng, tích tụ kim loại nặng khiến cây ngộ độc.
Cách xử lý khi cây trồng bị ngộ độc phân bón
- Khi nhận thấy cây bị ngộ độc phân bón, điều đầu tiên bà con cần làm là ngưng việc bón phân. Sau đó, phun nước hoặc rửa nước, xối nước vào gốc để pha loãng chất độc (nếu là ruộng nước cần tháo nước và cho nước mới vào, làm cỏ sục bùn, tiếp tục tháo vào cho nước vào).
- Dùng hoạt chất có nguồn gốc hữu cơ để tưới/phun lên cây trồng, ví dụ như: Kali Humate, dịch rong biển dạng bột, Amino axit… các loại hoạt chất này giúp ổn định kết cấu đất,cân bằng độ pH đất, giúp cây trồng đẩy nhanh quá trình trao đổi chất, giải độc các kim loại nặng tích trữ và kích thích ra rễ mới. Chú ý pha đúng liều lượng, nồng độ khuyến cáo.
- Cung cấp các chất điều hoà tính mát cho bộ lá bằng việc phun Amino acid, Seaweed, vitamin, hooc môn điều hoá sinh trưởng,… giúp cây chống chịu, hỗ trợ nhanh tình trạng thiếu hụt khoáng do rễ đang bị ngộ độc, không cung cấp cho cây được.
Sau khi thực hiện các biện pháp giảm trừ ngộ độc cho cây trồng từ 5-7 ngày, cây sẽ hồi sinh lại, lúc này chúng ta có thể chăm sóc bình thường.