Trồng chanh không hạt (chanh giấy) đạt năng suất cao

Chanh có hạt tuy là truyền thống, nhưng hạt luôn rơi vào nước chấm hoặc món ăn tạo vị đắng, luôn cần phải tách hạt. Chanh không hạt là một xu thế có ích cho bà con nông dân.

Chanh không hạt

Chanh là một loại quả dùng như rau, được xếp vào nhóm rau với nhu cầu không lớn đối với mỗi gia đình nhưng rất thường xuyên. Chanh có thể bán được khối lượng lớn, vận chuyển và bảo quản thuận tiện, sử dụng ở khắp mọi miền đất nước.

Đặc điểm chanh không hạt

Chanh giấy không hạt-ít gai là giống chanh được nhập vào Việt Nam trong thời gian gần đây, rất được bà con nông dân ưa chuộng, do dễ trồng, cho năng suất cao. Có thân và quả gần giống chanh giấy truyền thống của Việt Nam, khi cành ở giai đoạn thành thục thì các gai bị thoái hoá, cây cho sai quả, một chùm cho 7-8 quả. Năng suất rất cao từ 150-200kg quả/cây/năm, quả to, tròn, cơm màu trắng xanh, không hạt, vỏ mỏng, nhiều nước, chua, thơm …

Kỹ thuật trồng

Chọn giống

Nên chọn cây chiết nhánh hay giâm cành, không sâu và sạch bệnh.

Giống chanh

Mật độ

  • Cây cách cây 3m, hàng cách hàng 4m.
  • Kích thước hốc trồng 0,6×0,6×0,6m.
  • Nếu vùng đất thấp phải có hệ thống thủy lợi tưới tiêu hoàn chỉnh, đắp mô cao 0,5-0,6m, rộng 0,8-1m.
  • Nếu vùng đất cao, mặt đất bằng phẳng đắp mô cao 0,3-0,8m, rộng 0,8-1m, mặt đất nghiêng <5% không vun mô.

Đất trồng

Trộn thêm vôi bột 1 kg + phân hữu cơ hoai mục 10-15kg + 10-15kg tro trấu hoai (hoặc bả dừa, bả đậu) + Super lân 1kg.

Cách trồng

Đào một hốc nhỏ giữa mô, đặt cây con vào hốc, tháo bao đựng bầu ra, lấp đất giữ chặt bầu cây, cắm cọc giữ cây cố định.

Trồng chanh

Kỹ thuật chăm sóc

Hạn chế ánh sáng

Trong thời gian đầu ta có thể trồng xen cây họ đậu vào trong vườn để hạn chế giông gió, đổ ngã và che bớt ánh sáng.

Giữ ẩm

Đậy phủ gốc cho cây vào mùa khô, nhằm hạn chế chi phí tưới nước, trong vườn nên để cỏ cao 20-40cm để hạn chế nắng nóng vào mùa khô và chống xói mòn hay tăng cường thoát nước trong đất vào mùa mưa.

Tưới nước

Cung cấp nước cho cây điều độ, muốn cây ra hoa, ngưng tưới cho khô gốc 20-30 ngày, sau đó tưới lại cây sẽ ra hoa.

Tỉa cành tạo tán

Hạn chế cành vượt, loại bỏ những cành già cỗi sâu bệnh, giúp cây thông thoáng, có dáng đẹp, tăng khả năng quang hợp và cây phát triển cân đối.

Chanh cho thu hoạch

Bổ sung đất cho cây

Vào thời kỳ bón thúc cho cây nên cho thêm đất mới vào tán cây dầy 2-3cm cùng kết hợp việc bón phân hữu cơ hoai hay phân hóa học.

Bón phân:

  • Phân hữu cơ hoai: 10-15 kg/năm.
  • Phân hóa học: Cây mới trồng đến 1 năm tuổi bón: 0,5 kg Urê + 1 kg Super lân + 0,2 kg KCl, chia ra 4-5 lần bón/năm.
  • Cây thời kỳ kinh doanh sử dụng phân: 0,5-2 kg Urê + 1,54 kg Super lân + 0,3 kg KCl, chia ra các lần bón như sau: Sau khi thu hoạch quả: Bón 2/3 phân Lân và toàn bộ phân hữu cơ. Tiếp đó: Bón 1/3 phân lân + 1/4 phân Urê + 1/3 KCl. Giai đoạn nuôi quả: Bón 1/4 phân urê.

Phòng trừ sâu bệnh

Các loại sâu bệnh hại trên chanh

  • Sâu vẽ bùa: Gây hại thường xuyên vào giai đoạn ra lá non
  • Rầy chổng cánh: Là đối tượng trung gian truyền bệnh vàng lá Greening
  • Rầy mềm: Chích hút nhựa trên chồi non hay mặt dưới lá non
  • Ấu trùng và thành trùng đều gây hại
  • Bệnh loét, ghẻ: Bệnh gây hại nặng vào mùa mưa, sử dụng thuốc gốc đồng để phòng trị
  • Bệnh thối gốc – chảy nhựa: Bệnh gây hại nhiều ở thân rễ, sử dụng thuốc để phòng trị
  • Bệnh vàng lá gân xanh: Vấn đề diệt trừ rầy chổng cánh tác nhân lan truyền bệnh vàng lá gân xanh là rất quan trọng