Vải thiều là loại cây lâu năm, khá dễ canh tác và cho sản lượng lớn, năng suất cao. Tuy nhiên, để vải thương phẩm có mẫu mã đẹp, mang lại giá trị kinh tế cao thì đòi hỏi phải có sự chăm sóc đặc biệt trong giai đoạn đậu quả. Bởi giai đoạn này thường nhằm vào tháng 4 -5, có diễn biến thời tiết phức tạp, nắng gay gắt, rất dễ khiến vải nứt quả, nám quả.
Cùng AVN tìm hiểu nguyên nhân và cách khắc phục hiện tượng này nhé!
Hiện tượng nứt quả trên vải
Nguyên nhân khiến vải nứt quả
Nguyên nhân chính khiến vải bị nứt quả là:
- Do tốc độ phát triển của phần cùi nhanh hơn tốc độ phát triển của phần vỏ.
- Do bà sử dụng phân bón mất cân đối, bón phân sai giai đoạn, bón thừa đạm và kali trong tình trạng cây thiếu hụt canxi.
- Do thời tiết mưa nắng diễn ra thất thường làm cho phần quả vải dễ bị nứt ra và làm lộ cùi quả
Hiện tượng nứt quả tạo điều kiện cho các loại nấm bệnh, các vi sinh vật gây hại cho vải tấn công mạnh hơn, khiến quả vải bị thối rửa và rụng đi, làm giảm năng suất mùa vụ và chất lượng vải thương phẩm.
Phòng trị nứt quả trên vải
Từ những nguyên nhân trên, để hạn chế tình trạng nứt quả trên vải, trong giai đoạn vải nuôi quả, bà con cần:
Cân đối lượng phân bón cho cây vải, nên hạn chế bón nhiều phân đạm, bón kali cho cây trước khi quả bắt đầu chuyển sang màu vàng sáng. Đồng thời, bón cho cây những nguyên tố khoáng như: Canxi, kẽm để cây phát triển tốt và hạn chế hiện tượng rụng trái non.
Nên tưới nước cho cây nhẹ nhàng và chia làm nhiều lần tưới khi gặp thời tiết nắng nóng kéo dài. Tránh việc tưới ồ ạt và không tưới trong giai đoạn quả chín.
Hiện tượng cháy, nám quả trên vải
Một hiện tượng khác cần lưu ý khi canh tác vải chuẩn bị vào thu hoạch đó là nám quả, cháy vỏ.
Nguyên nhân gây nám quả trên vải
- Do điều kiện thời tiết
Thời tiết nắng nóng đột ngột, kéo dài với nhiệt độ cao duy trì liên tục 350C đến 400C kéo dài từ 3-5 ngày, số giờ nắng 11-13h/ngày, cường độ ánh sáng mạnh khiến các chùm quả vải bị ánh sáng chiếu trực tiếp trong thời gian dài. Điều này khiến các tế bào vỏ quả bị tổn thương, các tế bào vỏ quả mất nước đột ngột trong thời gian dài, khi gặp gió Tây khô nóng sẽ khiến tình trạng cháy nám vỏ quả xảy ra, làm ảnh hưởng mẫu mã, chất lượng quả, giảm đi giá trị thương phẩm.
Ngoài ra, nếu gặp phải mưa axit trong nhiều đợt, quả vải cũng có thể bị nám do mưa axít tích tụ lâu ngày, khiến vỏ quả bị chết một phần làm cháy khô vỏ (nhất là giai đoạn trước thu hoạch 2 tuần).
- Do nấm bệnh gây hại
Cuối tháng 4 – 5 dương lịch hàng năm là thời điểm thời tiết nóng, ẩm. Đây là điều kiện lý tưởng cho nấm bệnh gây hại. Với bệnh khô cháy, nám quả trên vải có thể do nấm Rhizoctonia gây nên.
Bệnh lây lan mạnh khi có nắng và mưa xen kẽ, chúng sinh sản mạnh và xâm nhiễm qua lớp vỏ nhưng không ăn sâu vào thịt quả, kết hợp với nắng nóng, nhiệt độ cao làm cho vỏ quả bị khô cháy thành từng mảng lan dần ra toàn bộ vỏ quả, nhiều trường hợp có thể gây nứt quả.
Phòng ngừa cháy, nám quả trên vải
Từ nguyên nhân trên, bà con có thể phòng ngừa hiện tượng nám, cháy vỏ trên vải như sau:
- Dùng lưới đen để che nắng cho quả;
- Tiến hành tưới nước đủ ẩm cho cây, tốt nhất nên phun cả trên tán lá, nên tưới vào sáng sớm hoặc chiều mát, tuyệt đối không tưới nước quá ẩm;
- Tủ gốc cho cây vải bằng các tàn dư thực vật như: thân, lá, rơm rạ để giữ ẩm cho đất.
- Tăng độ bền vững của vỏ quả, tăng độ dày của thành tế bào, nâng cao sức chống chịu cơ học của tế bào vỏ quả qua đó chống được hiện tượng nứt/nổ vỏ quả, hạn chế bức xạ nhiệt của ánh sáng mặt trời trong những đợt nắng nóng cục bộ bằng việc phun thuốc chứa Nano SSilic
- Để phòng ngừa tác hại của mưa axit, bà con dùng chế phẩm nano canxi, nano canxi cacbonat phun lên tán lá, quả để tăng tính chống chịu của tế bào vỏ.
- Phun Nano bạc đồng super, nano đồng oxyclorua phòng ngừa nấm hại gây cháy nám quả.
Nhìn chung, bà con cần chú ý cung cấp đủ độ ẩm cho cây, bón phân cân đối, hợp lý để cây phát triển toàn diện và ngăn ngừa được sâu hại.