Một số loại sâu hại phổ biến trên cây mận

Mận là loại cây được trồng phổ biến ở các tỉnh miền núi phía Bắc nước ta. Mận cho quả vị chua ngọt giôn giốt, giòn ngon, nhiều nước nên rất được lòng giới trẻ. Thời điểm đầu mùa như hiện nay, một kg mận có thể có giá 90,000đ-120,000đ/kg, do đó, hiểu và chăm sóc cây mận để phòng tránh sâu bệnh hại sẽ giúp bà con thu được lợi nhuận tối đa.

Mận bắc có vị chua ngọt dễ ăn

Sâu ăn lá

Sâu ăn lá trên mận có tên khoa học là Diaphania indica. Chúng thường tấn công vào những lá non, hoa hoặc quả của cây mận. Sau mỗi giai đoạn lột xác thì chúng có thể tăng kích thước và tấn công nhiều hơn.

Sâu lông

Sâu lông hay còn được gọi là sâu róm, có nhiều màu, chủ yếu là màu vàng nhạt, đỏ, đen, nâu. Chúng thường ăn đọt non và lá bánh tẻ của cây, chỉ trừ lại phần gân lá.

Sâu lông sinh trưởng rất mạnh, nếu bà con không để ý phòng trừ, chỉ sau một thời gian ngắn, chúng có thể ăn trụi tất cả lá non và đọt non khiến cây không thể quang hợp và phát triển, thậm chí chết cây.

Khi cây mận bị sâu lông, sâu ăn lá tấn công, bà con có thể sử dụng thuốc chứa hoạt hất: Fipronil (800g/kg) phun 2 lần vào cuối mùa xuân đầu mùa hè và đầu mùa thu để diệt trừ.

Rệp sáp, rầy mềm

Rệp sáp

Nếu bà con thấy trên đọt lá non, quả non và thân cây có bám côn trùng nhỏ có hình Oval, màu trắng thì đó chính là rệp sáp, chúng bám vào để hút nhựa cây mà sinh trưởng.

Nhỏ hơn rệp sáp và có màu vàng nhạt, đen hoặc hình trái lê, bám xung quanh các quả non thì đó chính là rầy mềm, rầy mềm có kích thước nhỏ hơn rệp sáp và chủ yếu gây hại quả non.

Khi cây nhiễm bệnh, bà con có thể phun thuốc chứa Cypermethrin (min 90 %) vào cuối tháng 11 đầu tháng 12 để hạn chế nguồn gây hại trên lộc xuân.

Sâu đục thân

Sâu đục thân ăn nhựa cây, lõi cây và sinh sản. Các ấu trùng này sau khi nở sẽ tiếp tục phá hoại thân cây làm cho cây bị lở loét, khô cành, gãy nhánh khiến cây suy dần rồi chết.

Khi cây nhiễm bệnh, bà con sử dụng thuốc chứa Deltamethrin: 25 g/L tẩm vào bông nhét vào lỗ sâu đục, phun diệt trứng sâu.

Chăm sóc cây mận, bà con chú ý:

Khi cây mận cao 50 – 60 cm thì tiến hành bấm ngọn để cây ra cành cấp 1, chọn 3 – 4 cành xung quanh tán cây, nuôi dưỡng cành dài 50 – 60 cm thì tiến hành bấm ngọn, để 2 – 3 cành cấp 2 trên mỗi cành cấp 1. Khi cành cấp 2 dài 40 – 50 cm thì tiến hành bấm ngọn để sinh ra cành cấp 3, đây là cấp cành chính tạo quả trên cây. Hàng năm đốn tỉa đến cấp cành này để thu hoạch quả, không được để cành vươn quá dài, khó quản lý quả và tranh chấp ánh sáng, dinh dưỡng. Thực hiện tỉa bỏ những cành bị sâu bệnh, cành tăm hương sau khi thu hoạch mùa vụ để cây thông thoáng, hạn chế chỗ trú ngụ của sâu bệnh.