Kiểm soát bệnh hại bí xanh thơm

Các loại bênh phát sinh trên bí xanh thơm cần phải được kiểm soát như dưới đây. Quý khách hàng cũng cần tuân thủ các hướng dẫn từ KTV để đảm bảo hiệu quả phòng trị bệnh cao nhất.

Vui lòng liên hệ theo hotline để được hướng dẫn.

Chết héo cây con (lở cổ rễ, héo tóp thân)

Nguyên nhân gây hại: Do nấm gây ra

  • Nấm gây hại cổ rễ cây con chỗ giáp mặt đất, vết bệnh có màu nâu đen, bệnh tấn công làm cổ rễ teo tóp lại và thối cổ rễ, lá vẫn còn xanh sau héo dần, cây ngã ngang và chết.
  • Bệnh thường phát sinh gây hại chủ yếu ở giai đoạn cây con.
Chết cây con

Điều kiện phát sinh, phát triển: Thời tiết nóng, ẩm độ cao, những ruộng ngập úng, thoát nước kém là điều kiện thích hợp cho nấm phát triển mạnh.

Bệnh nứt thân chảy nhựa

Nguyên nhân gây hại: Do nấm gây ra

Nhận biết và tác hại:

  • Trên lá: Vết bệnh lúc đầu là những chấm nhỏ màu nâu nằm thành từng đám trên lá, từ bìa lá lan vào thành từng mảng màu đen, lá bị cháy, khô rụng.
  • Trên thân: Vết bệnh có hình bầu dục, màu xám trắng, hơi lõm. Trên vết bệnh nhựa cây ứa ra thành giọt, sau đó đổi thành
    màu nâu đen và khô cứng lại, vỏ thân nứt ra. Bệnh làm héo dây và nhánh.
  • Trên quả: Lúc đầu có những đốm nhũn nước, sau đó đốm bệnh khô, có màu nâu và bị nứt. Ngoài ra bệnh còn gây hại trên cuống làm cho quả không phát triển được hoặc bị rụng.
Nứt thân chảy nhựa

Điều kiện phát sinh, phát triển: Thời tiết nóng và mưa nhiều, những ruộng ngập úng, thoát nước kém là điều kiện thuận lợi cho bệnh phát triển.

Bệnh phấn trắng

Nguyên nhân gây bệnh: Bệnh do nấm gây ra

Nhận biết và tác hại:

  • Bệnh xuất hiện phá hại ngay từ thời kỳ cây con, bệnh hại trên cả lá, thân và hoa.
  • Ban đầu trên lá xuất hiện những chòm nhỏ mất màu xanh hoá vàng dần, bao phủ một lớp nấm trắng xám dầy đặc như bột phấn, bao trùm tất cả phiến lá.
  • Lá bệnh chuyển dần từ màu xanh sang vàng, là khô cháy và rất dễ rụng. Bệnh nặng lớp phấn trắng xuất hiện trên cả thân, cành, hoa làm hoa khô và chết. Cây bị bệnh sinh trưởng yếu, năng suất kém.
Bệnh phấn trắng

Điều kiện phát sinh, phát triển: Bệnh phát triển thuận lợi ở nhiệt độ 20-24oC và ẩm độ không khí cao. Tuy vậy bệnh vẫn có thể phát triển được trong điều kiện khô hạn.

Bệnh thán thư

Nguyên nhân gây hại: Do nấm gây ra

Nhận biết và tác hại:

  • Trên lá, xuất hiện ở các lá già bên dưới trước, vết bệnh lúc đầu hình tròn nhỏ, màu xanh xám, sau chuyển sang màu nâu và có các đường vòng đồng tâm.
  • Trên thân: Vết bệnh có màu nâu xám, hơi lõm, bệnh nặng làm cho thân cháy khô và teo lại.
  • Trên quả: Đốm bệnh tròn, úng nước, màu nâu đen đến đen, lõm vào vỏ. Bệnh nặng các vết bệnh liên kết thành mảng lớn gây thối quả, nhũn nước.
Bệnh thán thư

Điều kiện phát sinh, phát triển: Điều kiện thời tiết nóng ẩm mưa nhiều, những ruộng ngập úng, thoát nước kém thích hợp cho bệnh phát sinh, phát triển.

Bệnh sương mai

Nguyên nhân gây hại: Do nấm gây ra

Nhận biết và tác hại: Trên lá, ban đầu vết bệnh là những đốm hình đa giác hơi vàng, nằm rải rác hoặc nằm dọc các gân lá. Sau đó vết bệnh chuyển dần sang màu nâu nhạt, xám bạc. Bệnh nặng, nhiều vết bệnh liên kết lại với nhau thành từng mảng làm cho lá bị vàng, khô cháy và rụng sớm. Gặp mưa hoặc sương mù nhiều tạo ẩm ướt, chỗ bị bệnh có thể bị thối nhũn. Bệnh có thể lây lan sang cả thân, cành hoa và quả.

Bệnh sương mai

Điều kiện phát sinh, phát triển: Điều kiện thời tiết âm u, ít nắng, nhiệt độ khoảng 15-20oC thích hợp cho bệnh phát sinh, phát triển, mưa hoặc sương mù nhiều bệnh sẽ lây lan rất nhanh.

Bệnh héo xanh

Nguyên nhân gây hại: Do vi khuẩn gây ra

Nhận biết và tác hại: Cây đang sinh trưởng bình thường thì đột ngột bị héo rũ trong khi các lá vẫn còn xanh. Ban ngày khi trời nắng cây héo, ban đêm cây xanh lại, sau 2-3 ngày cây không hồi phục nữa và chết. Cắt ngang gốc thân cây bị bệnh, ấn mạnh vào chỗ gần mặt cắt sẽ thấy chất dịch vi khuẩn màu trắng đục chảy ra.

Héo xanh ở cây họ bầu, bí, dưa

Điều kiện phát sinh, phát triển: Bệnh phát sinh, phát triển nhanh khi thời tiết nóng ấm (nhiệt độ 25 – 37 độ C), nền đất ẩm ướt, thoát nước kém.

Bệnh khảm

Nguyên nhân gây bệnh: Bệnh do virus gây ra.

Trung gian truyền bệnh: Rệp, bọ phấn trắng, bọ trĩ…

Bệnh khảm

Nhận biết và tác hại:

  • Khi bị nhiễm virus thì cây bị lùn, ngọn chùn lại, dây không vươn tiếp được, lá có màu không đồng nhất (khảm), hoặc bị vàng, hay xanh đậm, có khi bị nhỏ lại…
  • Tùy theo mức độ nặng nhẹ của bệnh mà cây sẽ không có quả hoặc ít quả, quả nhỏ, còi cọc, sần sùi không lớn được, ăn sượng.
  • Nếu nặng cây sẽ cằn cỗi và chết dần từ ngọn xuống.

Các biện pháp canh tác phòng trị bệnh nói chung:

  1. Chọn giống sạch bệnh.
  2. Chăm sóc để cây sinh trưởng và phát triển tốt, để bảo vệ và tăng cường sức chống đỡ với bệnh cho cây.
  3. Kiểm tra ruộng thường xuyên nhất là giai đoạn cây còn nhỏ. Kịp thời phát hiện và diệt trừ những côn trùng trung gian truyền bệnh, nhổ bỏ những cây bị bệnh ra khỏi ruộng để tránh lây lan.
  4. Trong quá trình chăm sóc cố gắng tránh tạo những vết thương cơ giới cho cây nhất là không nên để dụng cụ chăm sóc làm xây xát tạo vết thương trên cây vì dễ làm cho virus từ cây bị bệnh lây truyền sang cây khỏe.
  5. Không nên trồng liên tục trong nhiều năm liền, tốt nhất là luân canh với cây trồng khác.