Cypermethrin là hoạt chất trừ sâu thuộc nhóm Cúc tổng hợp (pyrethroid). Nó được sử dụng phổ biến để kiểm soát nhiều loại côn trùng gây hại cho cây trồng như sâu bướm trên cây bông, sâu đục thân trên cây lúa, rầy nâu trên cây cà phê,…
Cypermethrin có phổ tác động rộng, hiệu quả cao và kéo dài song cũng có những nhược điểm nhất định.
Thông tin chung về hoạt chất Cypermethrin
Cypermethrin có công thức hóa học là C22H19Cl2NO3, thuộc nhóm độc II, có dạng nhũ dầu.
Các chất Alpha- Cypermethrin, Beta- Cypermethrin, Gamma- Cypermethrin và Delta- Cypermethrin cũng là nhánh của hoạt chất này.
Hoạt chất Cypermethrin là một loại thuốc trừ sâu tổng hợp thuộc nhóm cúc (Pyrethroid). Hoạt chất này được tổng hợp thành công vào năm 1974 và được tung ra thị trường lần đầu tiên vào năm 1977.
Tại Việt Nam, theo thống kê trên danh mục thuốc BVTV được phép lưu hành năm 2023, có gần 50 công ty đăng ký kinh doanh hoạt chất này bao gồm cả dạng đơn chất và hỗn hợp với những hoạt chất như Indoxacarb, Isoprocarb, Chlorfenapyr, Profenofos…
Cơ chế hoạt động của hoạt chất Cypermethrin
Cypermethrin tác động theo cơ chế tiếp xúc với hệ thần kinh của côn trùng do tác động trực tiếp lên côn trùng thông qua da hoặc nó hít phải. Thuốc gây ảnh hưởng đến sự vận chuyển của Na qua màng tế bào thần kinh, làm tăng độ thấm của Na qua màng tế bào. Điều này gây nên sự lặp đi lặp lại và kéo dài xung động thần kinh trong cơ quan cảm giác. Làm đình trệ xung động trong sợi thần kinh, khiến chúng luôn ở trạng thái bị kích thích. Hoạt chất này còn khiến chúng không thể thực hiện các chức năng bình thường như di chuyển, kiếm ăn,…Từ đó làm phá vỡ các tế bào thần kinh của sâu hại, dẫn đến chấn động và cuối cùng là chết.
Ưu điểm của hoạt chất Cypermethrin trong phòng trừ sâu hại cây trồng
– Cypermethrin có phổ tác động khá rộng. Nó có thể kiểm soát nhiều côn trùng gây hại như ruồi đục lá, sâu khoang, sâu xanh, bọ trĩ, sâu bướm, bọ cánh cứng, rầy, kiến…
– Hoạt chất Cypermethrin có hiệu lực nhanh chóng, thường chỉ trong vài phút sau khi tiếp xúc với sâu hại. Nó cũng có hiệu quả kéo dài, có thể tiêu diệt côn trùng trong nhiều ngày.
– Hoạt chất Cypermethrin bị phân hủy dễ dàng trong đất và thực vật. Khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, nước và oxy, Cypermethrin sẽ bị phân hủy nhanh hơn. Điều này khiến cho hoạt chất tồn tại trong môi trường ngắn và giảm tác động tiêu cực lên môi trường.
Nhược điểm của hoạt chất Cypermethrin trong phòng trừ sâu hại cây trồng
– Thời gian cách ly lâu (khoảng từ 7-14 ngày). Hoạt chất sau khi pha loãng cần sử dụng ngay vì axit trong nước có thể bắt đầu phân hủy hoạt chất, khiến sản phẩm kém hiệu quả hơn theo thời gian.
– Cypermethrin thuộc nhóm độc II nên sẽ gây kích ứng da và mắt ở mức tiếp xúc nhẹ. Nếu tiếp xúc ở mức nặng, hoạt chất này có thể gây buồn nôn, nhức đầu, yếu cơ, co giật,…Nếu ăn phải Cypermethrin ở liều lượng cao có thể dẫn đến tử vong.
– Là một hoạt chất phổ rộng nên Cypermethrin cũng rất độc với các loài côn trùng có ích như ong, kiến, bọ rùa… và cá. Hiện nhà nước đã cấm sử dụng hoạt chất Cypermethrin trong sản xuất, kinh doanh thủy sản do hoạt chất này khiến tôm, cá bị chết hàng loạt.
– Sử dụng hoạt chất này liên tục dễ hình thành tình trạng kháng thuốc nơi côn trùng.