Dừa là loại cây ăn quả có thể sử dụng cho nhiều nhóm ngành kinh tế. Quả dừa vừa xuất làm nước giải khát, vừa cung cấp cơm dừa làm mứt, bánh, kẹo, dầu dừa làm mỹ phẩm, dầu gội đầu… Tùy từng giống dừa mà sau 3-6 năm trồng, cây sẽ cho quả. Trong những năm đầu, cây dừa thường bị đe dọa bởi các loại sâu bệnh nhưu sâu đục thân, bọ rùa, kiến vương… Ngoài ra, cháy lá dừa cũng là một tình trạng phổ biến, ảnh hưởng nặng nề tới sinh trưởng của cây dừa.
Nguyên nhân dừa bị cháy lá
Cháy lá hay còn gọi là đốm lá trên dừa là một hiện tượng do nấm Pestalozia Palmarum và Helminthosorium Sp. gây nên. Bệnh thường bắt đầu xuất hiện từ giai đoạn cồi lá.
– Triệu chứng lá dừa bị nấm Pestalozzia palmarum tấn công:
Đầu tiên lá dừa sẽ có những đốm màu vàng. Các đốm này sẽ lớn lên thành vết cháy hình bầu dục, ở giữa sẽ có màu xám nhạt. Bên ngoài có viền nâu đậm và một quầng màu xanh. Một khi những đốm cháy lá này nối liền nhau sẽ tạo thành vết cháy lớn hơn, đầu và bìa lá bị khô cháy hết. Lá dừa nhiễm nấm nặng có thể bị cháy khô.
– Khi bị nấm Helminthosporium sp. tấn công, các vết bệnh ban đầu là những đốm nhỏ sần sùi màu nâu. Kích thước các đốm này to dần theo mức độ nhiễm nấm của lá. Diễn biến bệnh tương tự như nấm Pestalozzia palmarum.
Tác hại của hiện tượng dừa cháy lá
– Làm giảm khả năng quang hợp của cây
Cây dừa nhiễm bệnh sẽ bị hạn chế khả năng quang hợp. Đồn nghĩa với việc giới hạn khả năng cây hấp thụ năng lượng từ ánh nắng mặt trời. Cây dừa trở nên suy yếu, kém phát triển. Cây bị nặng có thể cháy lá hoàn toàn, mục nát cả bộ phận rễ và thân.
– Suy giảm năng suất
Cây dừa cháy lá do nhiễm nấm không thể phát triển và sinh trưởng mạnh mẽ. Điều này khiến dinh dưỡng nuôi quả hạn hẹp, quả nhỏ, số lượng ít, không đạt năng suất.
– Lan truyền mạnh đến cây con
Bệnh cháy lá có khả năng lây lan nhanh. Đặc biệt nguy hại nghiêm trọng đến cây con bởi chúng đang trong giai đoạn đề kháng yếu. Điều này đe dọa đến sự phát triển của cả vựa dừa.
Cách khắc phục hiện tượng cháy lá dừa
Hiện tượng cháy lá này thường diễn ra trên diện tích dừa được chăm bón nghèo nàn kali. Do đó, bà con cần cung cấp thêm Kali, canxi và silic để tăng cường sức kháng của cây trước bệnh tật và kích thích sự phát triển của cây.
Khi phát hiện dừa bị bệnh đốm lá, bà con có thể phun các hoạt chất như propiconazole, isoprothiolane, metalaxyl, hexaconazole, cymoxanil…. để diệt trừ nấm hại. Tuy nhiên, cần thường xuyên kiểm tra các vết đốm trên lá để xác định mức độ bệnh của cây và có biện pháp phun thuốc phù hợp, tránh làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây dừa.