Nhờ vào việc tối ưu hóa hiệu quả các hoạt động chăm sóc hợp lý theo các giai đoạn sinh trưởng cũng như các yếu tố tác động đến vòng đời mà cây ớt cho năng suất cao, mẫu mã đều, đẹp. Việc xác định thời gian sinh trưởng, vòng đời cây trồng sẽ giúp bà con có được bài toán kinh tế hiệu quả.
Vòng đời của cây ớt thường kéo dài từ 120 đến 130 ngày, tùy thuộc vào giống và điều kiện chăm sóc. Sau thời gian trên, cây sẽ cho quả thu hoạch. Có thể được chia thành 4 giai đoạn chính sau:
Giai đoạn nảy mầm
Kéo dài từ 7 đến 10 ngày. Bắt đầu từ khi hạt ớt bắt đầu mọc mầm và phát triển thành cây con. Đây là giai đoạn quan trọng để tạo đà phát triển cho cây ớt sau này. Cây giống có khỏe thì khả năng sinh trưởng mới tốt. Để ớt mọc mầm nhanh, khỏe, bà con cần chọn giống chất lượng cao, kháng bệnh. Hạt trước khi trồng được xử lý qua với dung dịch Javel NaOCl nồng độ 0,15%. Việc này nhằm loại bỏ mầm bệnh và phá vỡ miên trạng hạt. Hạt ngâm trong dung dịch khoảng 15 phút rồi xả liên tục dưới vòi nước khoảng 30 phút. Sau đó vớt ra và để ráo chuẩn bị gieo. Khi gieo hạt nên gieo sâu khoảng 1 – 2 cm và phủ một lớp đất mỏng lên trên. Khoảng cách giữa các cây nên được duy trì khoảng 30 – 40 cm để cây có đủ không gian phát triển.

Giai đoạn này, ớt cần điều kiện về nhiệt độ: 25 – 30oC, độ ẩm 70 – 80% để hạt nảy mầm thành công. Bà con chú ý tưới nước thường xuyên, đầy đủ.
Cần tưới nước từ 1 – 2 lần/ngày trong khoảng 5 – 7 ngày. Đến khi mầm cây nhô lên mặt đất thì giảm tần suất tưới lại còn 2 ngày/lần. Khi cây có 2 – 3 lá thật thì tiến hành loại bỏ cây bệnh.
Giai đoạn này cần bón lân hữu cơ 5000ml để cây cứng, khỏe.
Giai đoạn sinh trưởng
Giai đoạn sinh trưởng kéo dài từ 60 đến 90 ngày. Bắt đầu khi cây con bắt đầu phát triển hệ rễ, thân và lá. Điều kiện lý tưởng để phát triển là nhiệt độ 18 – 20oC, độ ẩm đất 80%.
Thời kỳ này cây phát triển bộ rễ. Cây bắt đầu sử dụng dinh dưỡng từ bên ngoài và tăng trưởng về chiều cao, phát triển hệ rễ, thân lá một cách mạnh mẽ để chuẩn bị cho quá trình ra hoa.
Đây cũng là giai đoạn cây ớt cần nhiều dưỡng chất. Do đó bà con cần chú ý bổ sung phân bón phù hợp, có thể dùng phân NPK 15-5-15.
Giai đoạn ra hoa
Sau giai đoạn sinh trưởng 10 đến 15 ngày thì cây ớt bước vào giai đoạn ra hoa. Các bông hoa bắt đầu nở rộ và thụ phấn, chuẩn bị cho sự đậu quả. Giai đoạn này, cây ớt cần độ ẩm 70-80%. Bà con không được để độ ẩm đất quá cao sẽ khiến rụng hoa và khó đậu quả.
Về chăm bón, bà con nên kết hợp cả phân bón vô cơ và phân bón hữu cơ để cây phát triển tốt nhất, có đủ dinh dưỡng phân nhánh và nuôi hoa. Phân vô cơ nên dùng NPK 16-16-8 với hàm lượng 30kg/1000m2. Kết hợp phân hữu cơ vi sinh để cây khỏe, sinh trưởng tốt, tăng khả năng chống chịu thời tiết khắc nghiệt. Ngoài ra, bà con có thể phun thêm phân vi lượng qua lá để tăng sức đề kháng cho cây, giảm nguy cơ sâu bệnh.

Giai đoạn đậu quả
Giai đoạn đậu quả thường kéo dài từ 30 đến 40 ngày. Đây là giai đoạn hoa thụ phấn và phát triển thành quả ớt. Quả ớt sẽ lớn dần, chuyển màu và đạt kích thước tối đa trước khi chín.
Khi quả nhỏ, bà con có thể bón phân NPK 16-16-8, bón thêm vôi bột để cứng cây, cứng quả. Bởi quả ớt khi thiếu canxi sẽ thường thối đuôi.

Lưu ý khác khi chăm sóc cây ớt
Ở bất kỳ giai đoạn nào, bà con cũng cần chú ý những điều sau:
– Luôn đảm bảo độ ẩm duy trì cho đất, tưới định kỳ không để cây ớt thiếu nước nhất là giai đoạn ra hoa, đậu quả. Nếu thiếu nước, năng suất và chất lượng trái ớt sẽ không đạt tiêu chuẩn.
– Khi bón phân cho ớt, nên bón đục lỗ nhỏ hoặc rạch hàng để bón và phủ lớp đất mỏng để hạn chế tình trạng phân bốc hơi.
– Để ớt cho sản lượng cao, đảm bảo khối lượng, mẫu mã chuẩn, bà con cần tỉa bỏ toàn bộ chồi ở nách lá bên dưới điểm phân cành đầu tiên khi chồi còn nhỏ tạo thông thoáng và tập trung dinh dưỡng ở tầng trên. Nếu ớt ra hoa, kết trái gần gốc, bà con nên hái bỏ hết trái non, chỉ để trái từ tầng lá thứ tư trở lên khi tán đã xòe rộng.