Các biện pháp canh tác phòng trừ sâu hại

Phương pháp phòng trừ sâu hại bằng kỹ thuật canh tác: Đây là phương pháp cơ bản, rất quan trọng, mang ý nghĩa tích cực, đơn giãn, dễ làm, ít tốn kém nhưng mang lại hiệu quả rõ rệt.

Phương pháp phòng trừ sâu hại bằng kỹ thuật canh tác nhằm tạo ra môi trường sinh thái mới không phù hợp với yêu cầu sinh sống của đối tượng dịch hại cần phòng trừ nhưng không làm ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây trồng, làm cho đối tượng dịch hại không phát triển được, hoặc di chuyển đi nơi khác hoặc bị tiêu diệt.

Phương pháp phòng trừ sâu hại bằng kỹ thuật canh tác gồm các biện pháp sau:

Dùng giống kháng

Đây là biện pháp quan trọng có ý nghĩa tích cực, mang lại hiệu quả kinh tế cao trong việc phòng trừ sâu hại. Dùng giống ngắn ngày để dịch hại không hoàn thành chu kỳ (vòng đời) nhằm làm giảm mật số sâu và giảm nhẹ thiệt hại do sâu gây ra. Trồng giống bắp lai có lá ngắn, cứng xếp thẳng đứng ít bị sâu đục thân gây hại vì bướm sâu đục thân thường đẻ trứng ở mặt dưới lá bắp cong rũ xuống.

Vệ sinh đồng ruộng

Dọn sạch cỏ dại, tiêu hủy tàn dư thực vật mang mầm móng sâu bệnh, cỏ dại ven bờ nhằm làm giảm nhẹ sự gây hại của sâu lên cây trồng vụ sau.

Biện pháp làm đất

Trong tự nhiên có trên 85% côn trùng có đời sống gắng liền với đất suốt chu kỳ sinh sống hoặc một vài giai đoạn của chu kỳ sống của côn trùng ở trong đất. Do đó việc cày bừa phơi đất làm xáo trộn nơi cư trú của côn trùng, làm thay đổi môi trường sống, những con côn trùng sống trên mặt đất bị đưa xuống dưới, những con sống bên dưới mặt đất bị đưa lên trên. Buộc chúng phải di chuyển sang nơi khác hoặc bị thiên địch săn bắt hoặc bị tiêu diệt trong quá trình làm đất do cơ giới. Do đó mật số côn trùng trong đất giảm đi rất nhiều và làm giảm nhẹ thiệt hại cho cây trồng.

Thời vụ gieo trồng

Xuống giống đúng thời vụ tạo lợi thế cho cây trồng phát triển tốt vì thời tiết trong vụ mùa thích hợp cho cây trồng sinh trưởng tốt do đó cây trồng sung mản, chống chịu tốt với sâu hại và cho năng suất cao. Mặt khác việc xuống giống đúng thời vụ giúp cây trồng tránh được những rủi ro do thời tiết gây ra như hạn hán, nhiệt độ nóng, lạnh, sương muối, lũ lụt… làm mất mùa.

Để tránh những đối tượng dịch hại nguy hiểm có khả năng làm ảnh hưởng lớn đến năng suất cây trồng, người ta bố trí lịch thời vụ tránh những tháng đối tượng này có khả năng phát triển mạnh. Ví vụ: một số đối tượng dịch hại có khả năng làm giảm năng suất lúa như nhện gié, rầy cánh trắng, bù lạch thường xuất hiện gây hại trong điều kiện khô hạn người ta bố trí lịch thời vụ tránh khô hạn ở giai quan trọng của cây lúa mà những loại dịch hại này có khả năng làm ảnh hưởng đến năng suất lúa.

Xuống giống đồng loạt, thu hoạch nhanh nhằm cắt dứt nguồn thức ăn của sâu hại trên đồng làm giảm mật số sâu hại và giảm nhẹ thiệt hại do chúng gây ra.

Thu hoạch đúng lúc có tác dụng tốt trong công tác bảo bệ thực vật, tránh bị thiệt hại do sâu bệnh gây ra, đồng thời tránh hao hụt do thu hoạch muộn và thu hoạch muộn cũng làm giảm gía trị thương phẩm. Như ruộng khoai lang thu hoạch muộn dễ bị hà gây hại, đối với cây rau củ quả thu hoạch muộn dễ bị sâu bệnh hại thời kỳ cuối làm giảm phẩm chất thương phẩm, đối với loại cây thu hoạch quả, hạt thu hoạch muộn dễ bị rụng trên ruộng gây thất thoát và những cây con mọc lại từ những hạt rơi rụng sẽ là cầu nối sâu bệnh gây hại cho vụ sau.

Mật độ gieo trồng thích hợp

Mật độ gieo trồng rất quan trọng, mỗi loại cây trồng khác nhau có mật độ gieo trồng thích hợp khác nhau. Mật độ gieo trồng ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của cây trồng mà còn ảnh hưởng đến sự phát sinh phát triển của sâu bệnh và cỏ dại. Gieo trồng đúng mật độ thích hợp giúp cây trồng phát triển tốt, cho năng suất cao đồng thời hạn chế sâu bệnh phát triển, giúp cây trồng chống chịu tốt với sâu bệnh, tạo điều kiện thuận lợi cho thiên địch hoạt động làm giảm nhẹ thiệt hại do sâu bệnh gây ra. Do đó gieo trồng với mật dộ thích hợp cũng là biện pháp phòng ngừa sâu bệnh. Như trên lúa gieo quá dầy tạo điều kiện cho bệnh đạo ôn, bệnh cháy bìa lá, bệnh đốm vằn, rầy nâu, sâu cuốn lá, phát triển. Mặt khác việc gieo sạ dầy còn cản trỡ hoạt động của thiên địch nhất là loài ký sinh trứng sâu và trứng rầy chính vì lẻ đó mà sâu hại phát triển mạnh trên ruộng sạ dầy. Còn ruộng gieo sạ quá thưa hấp dẫn sâu đục thân đến đẻ trứng và dễ bị ruồi đục lá gây hại, mặt khác việc sạ thưa còn tạo điều kiện cho cỏ dại mọc, cạnh tranh dinh dưỡng với cây lúa. Trên cây bắp nếu gieo dày cây dễ bị bệnh đốm lá, bệnh đốm vằn gây hại.

Sử dụng màng phủ nông nghiệp

Tác dụng của màng phủ nông nghiệp trong sản xuất quá rõ ràng ngoài việc hạn chế sự phát sinh và phát triển của sâu bệnh, việc sử dụng màng phủ nông nghiệp còn mang lại nhiều lợi ích khác như hạn chế cỏ dại mọc, chống bị rữa trôi dinh dưỡng, đất không bị đóng ván trong mùa mưa, giữ ấm cho cây trồng trong mùa lạnh, chống bốc thoát nước trong mùa khô, giúp cây trồng phát triển tốt, sung mãn đồng thời chống chịu tốt với sâu bệnh và cho năng suất cao.

Bón phân

Là một trong những yếu tố cần thiết trong sản xuất nông nghiệp, vì phân bón ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng, thông qua đó ảnh hưởng đến sự phát sinh, phát triển của sâu bệnh. Sử dụng phân bón hợp lý vừa làm tăng năng suất, đạt hiệu quả kinh tế cao, vừa hạn chế sâu bệnh hại, giảm bớt việc dùng thuốc BVTV. Lợi dụng yếu tố này phân bón được sử dụng theo yêu cầu công tác bảo vệ thực vật.

Bón phân cân đối giúp cây trồng phát triển tốt, có sức chống chịu cao với sâu bệnh. Một số loại phân còn có tác dụng hạn chế dịch hại phát triển và tiêu diệt một số dịch hại như:

  • Bón phân kali có tác dụng hạn chế sâu đục thân mía phát triển.
  • Bón phân super lân trên đất diệt được ốc sên loại trần và loại có vỏ.
  • Bón lót vôi diệt được sâu non của bọ hung hại rễ cây.
  • Bón lót phân Nitrat amon diệt được loại bổ củi hại hạt giống mới gieo.
  • Bón phân silic giúp cây lúa chống bệnh đạo ôn, đốm lá, sâu đục thân, sâu cuốn lá.
  • Bón phân vi lượng có chứa đồng giúp cây lúa chống bệnh cháy bìa lá do vi khuẩn gây ra.
  • Bón phân vi lượng có chứa kẽm giúp cây lúa chống bệnh thúi bẹ lá lúa.

Tưới nước

Biện pháp tưới tiêu kết hợp với bón phân làm tăng tính chống chịu sâu hại của cây trồng và làm phục hồi nhanh những cây bị sâu hại. Phương pháp tưới tiêu còn là kỹ thuật hàng đầu trong nông nghiệp, chính vì vậy phương pháp này được lợi dụng trong công tác BVTV làm thay đổi tiểu khí hậu đồng ruộng nhằm gây điều kiện sống bất lợi đối với sâu hại làm chúng không phát triển được hoặc bị tiêu diệt.

Ví dụ:

  • Rầy nâu, bọ xít đen hại lúa thường đẻ trứng ở gốc lúa, việc cho nước vào ruộng ngập sâu sẽ làm thúi trứng.
  • Cày lật gốc rạ cho nước vào ngâm sẽ diệt toàn bộ sâu non, nhộng của sâu đục thân lúa. Tùy theo loại cây trồng mà chúng ta nên cung cấp nước đầy đủ sẽ hạn chế được một số sâu bệnh phát triển.

Trồng cây bẫy

Mỗi loại dịch hại đều biểu hiện ưa thích một số cây trồng hoặc thường gây hại ở giai đoạn sinh trưởng nào đó của cây trồng. Dựa vào đặc điểm này của sâu hại người ta trồng cây bẫy nhằm mục đích thu hút và tập trung sâu hại vào một nơi nhất định để tiêu diệt, ngăn chặn chúng xâm nhập vào cây trồng chính. Cây bẩy có thể là loại cây khác với cây trồng chính, hoặc cùng loại với cây trồng chính được trồng với diện tích nhỏ (từ 1 đến vài phần trăm so với diện tích chính vụ) sớm hơn thời điểm xuống giống cây trồng chính hoặc sử dụng giống ngắn ngày.

Luân canh với cây trồng khác

Để phá thế độc canh (canh tác 1 loại cây liên tục nhiều năm trên cùng mảnh đất thường làm suy kiệt chất dinh dưỡng một chiều nhất là các chất vi lượng, độc canh còn tích tụ các loại chất độc cho cây trồng và sâu bệnh có điều kiện phát triển và gây hại cây trồng đó ngày một trầm trọng thêm.)

Do đó luân canh thay đổi cây trồng khác nhau sẽ hạn chế sâu bệnh phát triển.