Bệnh phấn trắng trên cây nho

Nho là loại cây thân leo mềm yếu, ưa ánh sáng. Khi sinh trưởng, loài cây này cần phải được bắc giàn đúng kỹ thuật. Nếu không, cây nho bị rợp, thiếu ánh sáng sẽ tạo điều kiện cho nấm phấn trắng phát triển và lây lan mạnh.

Nguyên nhân gây bệnh phấn trắng trên cây nho

Bệnh phấn trắng hay còn được gọi là nấm xám, nấm trắng do nấm Uncinula necator gây ra. 

Vào mùa đông, các bào tử nấm “ngủ đông” ở các vết bệnh trên thân cây. Đến mùa xuân, các bào tử nấm được khuếch tán trong không khí theo gió đến các cây mới để nhiễm bệnh. Loại nấm này sinh trưởng mạnh ở điều kiện nhiệt độ vào khoảng 25 đến 30 độ C, thời tiết nhiều mây, âm u thiếu ánh sáng, độ ẩm không khí cao. Bệnh suy giảm khi cây nho gặp ánh sáng mạnh, mưa nhiều, nhiệt độ trên 35 độ C .

Bệnh phấn trắng trên lá nho

Triệu chứng cây nho bị nhiễm nấm phấn trắng

Nấm phấn trắng có thể lây nhiễm vào tất cả các mô xanh của cây nho.

  • Trên cành và lá nho: Lúc đầu vết bệnh sẽ là những lớp mốc trắng hoặc màu xám nhạt ở mặt trên hoặc mặt dưới của lá, lâu dần sẽ chuyển sang màu xám tro. Trên các lớp mốc thường có hạt nhỏ màu đen. Những vết bệnh liên kết với nhau thành những mảng lớn cháy khô. Lá bị ảnh hưởng nặng có thể cong lên khi thời tiết khô nóng. Bệnh nặng làm lá nho còi cọc, héo và rụng đi. Bệnh cũng tồn tại trên các chồi non dưới dạng các mảng màu nâu sẫm cho đến đen.
  • Trên hoa: Nếu cụm hoa bị nhiễm nấm phấn trắng, hoa có thể héo và rụng mà không đậu quả.
  • Trên quả nho: Quả bị nhiễm nấm có thể có các mảng nấm phát triển trên bề mặt tương tự như trên lá. Quả bị nhiễm bệnh thường biến dạng hoặc có những đốm gỉ trên bề mặt, bên ngoài vỏ quả nho sẽ có một lớp bột màu xám trắng. Khi nhiễm nấm nặng, quả có thể bị nứt làm suy giảm chất lượng và năng suất quả.
Bệnh phấn trắng trên quả nho

Phòng ngừa bệnh phấn trắng trên cây nho

– Bệnh phấn trắng sinh trưởng và phát triển trong điều kiện vườn rậm rạp, âm u, thiếu sáng. Do vậy, bà con cần bắc giàn cao để cây đón nắng. Thường xuyên dọn, tỉa cành, không để vườn nho rậm rạp, ẩm thấp.

– Thường xuyên thăm vườn để kịp thời phát hiện bệnh.

– Đảm bảo nước tưới cho vườn, tránh để độ ẩm cao dễ phát sinh, lây lan bệnh.

– Khi bệnh xâm hại nặng, bà con có thể sử dụng các loại chế phẩm sinh học chứa nấm đối kháng như Chaetomium, Trichoderma… hoặc thuốc BVTV chứa Mancozeb 80%, Diniconazole… để phun diệt trừ.