Bệnh gỉ sắt trên cây lạc

Cùng với đốm lá, gỉ sắt là loại bệnh phổ biến trên cây lạc. Với đặc tính là cây bụi nên một khi nhiễm bệnh, bệnh sẽ lây lan rất nhanh, nhất là trong điều kiện thời tiết nồm ẩm, nhiều sương mù. Bệnh có thể gây hại và ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng lên đến 50%, nếu bệnh kết hợp cùng các bệnh khác có thể gây mất trắng mùa vụ.

Nguyên nhân gây bệnh gỉ sắt trên cây lạc

Bệnh gỉ sắt chủ yếu do nấm Puccinia Arachidis gây ra. Căn nguyên mầm bệnh có thể từ tàn dư vụ trước để lại trên đất hoặc chất thải nông nghiệp, cũng có thể do lây lan qua gió hoặc nước, côn trùng trung gian dẫn tới từ vùng khác, cây khác.

Triệu chứng bệnh gỉ sắt trên lạc

Bệnh biểu hiện bằng những vết đốm nhỏ, hình tròn có đường kính khoảng 0.5 – 1.5 mm, màu vàng hoặc nâu đỏ, giống như vết gỉ sắt trên kim loại. Những đốm này có thể xuất hiện cả ở lá, thân, cuống, hoa và cả quả.

Đối với các lá mới mọc và bị nhiễm bệnh nhẹ, ban đầu chỉ có những vết đốm nhỏ và không gây ra hại lớn. 

Theo thời gian, các vết đốm này có thể phát triển và lan rộng khắp mặt lá, dẫn đến sự hư hại, khô đi và rụng lá, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự sinh trưởng của cây, nguy cơ tăng số hạt lép, biến đổi màu sắc và chất lượng hạt.

Phòng trừ bệnh gỉ sắt

Phòng bệnh

  • Sử dụng giống kháng sâu bệnh
  • Vệ sinh đồng ruộng, dọn sạch tàn dư vụ trước.
  • Bón vôi trước mùa vụ mới để cải thiện độ pH đất và khử khuẩn đồng ruộng.
  • Xen canh gối vụ với cây trồng khác để cải tạo gốc đất và hạn chế mầm bệnh.
  • Giao trồng đúng mật độ, không gieo quá dày
  • Thường xuyên thăm đồng, kiểm tra

Trị bệnh gỉ sắt

  • Khi xuất hiện mầm bệnh, hãy nhổ bỏ hoàn toàn khu vực nhiễm bệnh.
  • Thực hiện phun thuốc chứa hoạt chất Imibenconazole, Hexaconazole, Difenoconazole, Mancozeb + metalaxyl,… Nên phun ngay khi có dấu hiệu nhiễm bệnh và phun lại sau 15 ngày.