Kỹ thuật trồng và chăm sóc khoai lang đạt năng suất cao

Khoai lang là cây lương thực quen thuộc với người dân Việt Nam. Khoai rất dễ canh tác, thời gian thu hoạch ngắn, phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của nước ta. Tuy nhiên, để cây khoai lang cho năng suất và chất lượng đạt yêu cầu thì không phải ai cũng làm được. Nhất là khi có những vùng đã có tập quán trồng nhất định từ xa xưa mà không chịu cải tiến theo kỹ thuật mới. Bên cạnh vấn đề chọn giống, thổ nhưỡng và thời vụ gieo trồng thì thì kỹ thuật trồng và chăm sóc đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo năng suất và chất lượng khoai lang thương phẩm.

Bài viết này, AVN sẽ hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng và chăm sóc khoai lang chuẩn nhé!

Kỹ thuật trồng khoai lang

Làm đất

Luống trồng nên được đào sâu, cày bừa kỹ để đất thông thoáng, tạo điều kiện cho cây phát triển tốt. Kích thước luống khoai được khuyến cáo từ các trung tâm khuyến nông là: rộng 1,2m, cao 30 – 40cm.

Tuy nhiên ở vụ Đông Xuân nếu trồng trên đất thịt, đất vàn thì bà con tiến hành làm ải nhưng cần đảm bảo duy trì độ ẩm cho đất.

Lên luống trồng khoai

Vào vụ Đông cần tiến hành làm đất ngay vì thời tiết lúc này thường mưa dầm, đất ẩm lâu ngày. Sau khi cày luống, bà con nên đắp thêm ít đất bột khô lên bề mặt luống để giảm độ ẩm. Trong trường hợp sau thu hoạch lúa đất còn ướt thì không nên bừa kỹ sẽ làm đất dễ bị quánh, cứng, giảm độ khổng khi đất khô.

Nếu đất chua, sau khi cày bừa bà con nên rải vôi lên trên mắt, khoảng 3 – 5kg/sào bắc bộ và 5 – 7kg/sào nam bộ.

Đối với ruộng đất cát, sau vụ thu hoạch trước bà con cần lên luống ngay, không được làm ải đất.

Lên luống

Tùy từng điều kiện thổ nhưỡng mà bà con lên luống sao cho phù hợp.

Với đất cát: Luống rộng: 1,2 – 1,5m. Cao từ 45 – 50cm. Dây cắt từ 30 – 35cm.

Với đất thịt nhẹ (đất pha cát), đất thịt, đất thịt nặng: Luống rộng 1,2 – 1,3m, độ cao từ 10 – 45cm. Dây cắt từ 25 – 30cm.

Bà con lên luống theo hướng Đông Tây là thích hợp nhất để cây phát triển tốt. Hướng này giúp tránh được gió mùa đông bắc và nắng nóng chiều trực tiếp, hạn chế tình trạng khô héo.

Các bước trồng khoai lang

Tùy từng nền đất cũng như tập quán từng địa phương mà có cách trồng khoai lang khác nhau. Một số phương pháp như: trồng nằm ngang luống, trồng dây kiểu đáy thuyền, trồng kiểu móc câu, trồng kiểu dây áp tường, dây thẳng dọc luống…

Tuy nhiên, cách trồng thẳng dây dọc luống nối đuôi nhau thường cho năng suất cao nhất, có thể áp dụng nhiều loại giống.

Đặt dây lang lên luống, phân ngọn trồng theo hướng từ Tây sang Đông hoặc từ hướng Tây Nam sang Đông Bắc, chôn sâu khoảng 5 – 15cm, chôn 2/3 hom xuống dưới đất.

Mật độ trồng cây khoai lang: Khoảng cách: (100  – 130) x (20 – 30)cm với mật độ khoảng 30.000 dây/ha. Sau khi trồng thì lấp đất lên trên mặt với độ dày từ 5 – 10cm.

Bà con nên tiến hành trồng vào buổi chiều mát để cây có thời gian thích nghi.

Trồng khoai lang bằng dây

Kỹ thuật chăm sóc khoai lang

Tưới nước

Ngay sau khi trồng, bà con cần lấp đất bổ sung đất trên những khoảng trống ở luống khoai để dây nhanh lên chồi. Trong tuần đầu tiên, bà con chú ý tưới nước giữ ẩm cho cây sao cho độ ẩm đất đạt khoảng 80%.

Nếu tưới rãnh thì cần lưu ý không được để nước ngập mặt luống, mực nước trong luống chỉ nên cao từ 1/3 – 1/2 luống.

Nếu thiếu nước, cây khoai lang sẽ chậm phát triển, lá héo úa, lâu ngày sẽ chết. Nếu thừa nước thì lá vàng, rễ mọc nhiều, để lâu sẽ bị thối rụng. Giai đoạn ra củ mà nhiều nước thì củ dễ bị thối.

Bấm ngọn khoai lang

Để cây khoai lang cho củ to, số lượng củ nhiều, bà con cần tiến hành bấm ngọn. Việc này giúp tập trung chất dinh dưỡng vào rễ, kích thích củ phát triển. Việc bấm ngọn cần tiến hành từ 20 – 30 ngày sau khi trồng. Khi lá khoai đã phủ kín luống, sau mỗi đợt mưa, cần tiếp tục thực hiện bấm ngọn để tập trung dinh dưỡng nuôi thân và củ.

Cách bấm ngọn dây khoai lang thực hiện rất đơn giản: Bà con dùng tay ngắt phần ngọn, khoảng 1- 2cm, để lại 4 – 5 mắt.

Bấm ngọn để tập trung dinh dưỡng nuôi củ

Làm cỏ cho khoai lang

Bà con cần chú ý dọn cỏ cho ruộng khoai vởi cỏ dại phát triển là tác nhân tranh chấp ánh sáng, dinh dưỡng của khoai và củ, tạo điều kiện cho dịch bệnh lây lan. Do đó, bà con cần tiến hành làm cỏ định kỳ. Nếu lượng cỏ nhiều không thể làm tay, bà con có thể dùng thuốc trừ cỏ song phải đảm bảo sinh trưởng của cây.

Vun xới đất cho khoai lang

Bởi củ khoai lang nằm sâu dưới đất nên để củ phát triển tốt, hạn chế sâu bệnh, bà con nên vun xới đất định kỳ. Việc này giúp đất  tơi xốp, thông thoáng, giảm thiểu bệnh hại tấn công củ.

Bà con nên tiến hành vun xới 2 lần trong một mùa vụ trồng củ khoai lang:

  • Lần 1: Sau khi trồng từ 15 – 30 ngày. Xới sâu, vun nhẹ vào gốc.
  • Lần 2: Sau khi trồng từ 45 – 60 ngày. Tiến hành xới nông, vun cao và lấp kín gốc.

Bón phân

Để khoai lang cho năng suất cao không thể thiếu đi phân bón. Bà con cần tiến hành bón lót trước khi trồng và bón thúc khi cây sinh trưởng.

Bón lót

Bón lót chủ yếu sử dụng phân chuồng ủ hoai mục, phân xanh, rơm rạ ủ… và phân vô cơ. Lượng phân hữu cơ: 10 – 15 tấn/ha. Lượng phân vô cơ (chủ yếu là phân lân): 50 – 60kg/ha.

Bón thúc

Mỗi thời kỳ sinh trưởng của cây cây xây dựng chế độ phân bón phù hợp. Bón đúng, bón đủ, tránh bón dư thừa hàm lượng. Phân dùng để bón thúc là đạm, kali. Liều lượng khuyến cáo đối với đạm là 30 – 60kg/ha, kali là 70 – 100kg/ha.

Ngoài ra bà con có thể dùng thêm phân chuồng, phân bắc hoai mục.

– Lần 1: Sau khi trồng 25 – 30 ngày. Bón 1/3 tổng số đạm + 1/3 kali. Bón vào 2 bên luống, cách gốc khoai lang 15 – 20cm. Sau bón lấp một ít đất nhẹ.

– Lần 2: Sau khi trồng 45 – 60 ngày. Bón 2/3 đạm còn lại + 2/3 kali. Xới nông, đảo phân, bón và vun kín gốc, vắt cẩn thận dây lang lên trên.

Trong quá trình chăm sóc, bà con cần thăm đồng thường xuyên để theo dõi sinh trưởng của cây, từ đó có điều chỉnh, can thiệp kịp thời.

Phòng trừ sâu bệnh

Cây khoai lang thường bị bọ hà gây hại và chuột cắn phá nhiều ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng củ.

Đối với chuột: Thường xuyên thăm đồng, khi có dấu hiệu chuột đào củ thì đặt bẫy diệt chuột.

Đối với bọ hà: Bọ hà khoai lang khoét củ khoai tạo thành những đường ngầm, gây độc tố cho củ khoai, củ bị hà gây hại thường bị mất màu và có mùi hôi, đắng. Để phòng trừ bọ hà, cần lên luống cao, vun kỹ không để củ lộ ra nhằm hạn chế bọ hà đẻ trứng vào củ. Không trồng liên tục 2 vụ khoai mà nên luân canh với vụ lúa nước hoặc rau màu khác.

Khi làm đất dùng thuốc đặc trị bọ hà rãi khử trùng đất hoặc trước khi thu hoạch 20 ngày. Kết hợp rải thuốc phòng trừ bọ hà vào giữa luống trước khi thu hoạch 15-20 ngày để diệt hết con trưởng thành, ngăn không cho chúng đẻ trứng gây hại vào củ. Bà con có thể kết hợp bẫy sinh học để bẫy và tiêu diệt bọ hà.