Tại sao cần luân canh cây trồng?

Luân canh cây trồng là hình thức canh tác luân phiên cây trồng trên cùng một diện tích theo năm, theo mùa vụ. Ngoài việc chăm bón khoa học thì luân canh cũng là một trong những phương pháp cải tạo năng suất cây trồng nhờ việc quản lý thành công cỏ dại và dinh dưỡng cho cây trồng. Cũng nhờ luân canh mà đồng ruộng trở nên phong phú và đa dạng loài hơn.

Kinh nghiệm hun đúc ngàn đời của bà con nông dân cho thấy, việc trồng thuần một giống cây nhiều năm, nhất là trên đất dốc sẽ làm dinh dưỡng đất cạn kiệt, rửa trôi. Đất bị xói mòn, bạc màu. Không chỉ vậy còn tạo điều kiện cho sâu bệnh phát triển khi một số lượng lớn loại sâu bệnh tồn dư, tiếp tục phát triển trong đất. Chính những điều đó sẽ khiến suy giảm năng suất, chất lượng nông sản.

Vì vậy, phương pháp luân canh là biện pháp trồng trọt hữu hiệu nhờ những lợi ích sau:

Cải tạo đất, gia tăng độ phì nhiêu cho đất 

Mỗi một loại cây sẽ có đặc trưng sinh thái khác nhau. Tức là nhu cầu dinh dưỡng khác nhau và chất thải cũng khác nhau. Việc trồng cùng một loại cây trong thời gian dài sẽ dẫn đến cạn kiệt chất dinh dưỡng đó trong đất.

Do đó, luân canh cây trồng sẽ giúp kiểm soát các chất dinh dưỡng bị thiếu hoặc thừa. Bởi hoạt động này giúp bổ sung các chất dinh dưỡng không có sẵn hoặc hấp thụ các chất dinh dưỡng thiếu hụt. Cây trồng mới có thể sử dụng được chất dinh dưỡng mà cây trồng cũ không cần đến. Đồng thời cải thiện chất hữu cơ trong đất do các vi sinh vật để lại sau mỗi vụ trồng trọt.

Một minh chứng rõ nhất là người ta thường luân canh trồng các loại cây với cây họ đậu. Điều này giúp tăng lượng nitơ trong đất bởi các nốt sần trong cây họ đậu chứa các vi khuẩn cố định nitơ tự nhiên vào đất.

Cà chua nên luân canh với cây đậu

Tăng năng suất cây trồng 

Nhờ nguồn đất được cải tạo từ luân canh mà năng suất cây trồng cũng được cải thiện. Nghiên cứu cho thấy năng suất sau khi trồng luân canh có thể tăng từ 10 đến 25%.

Giảm xói mòn đất

Xói mòn đất là tình trạng gió hoặc nước cuốn đi lớp đất quan trọng nhất. Thường xảy ra khi cố canh một loại cây trồng. Lợi ích của luân canh cây trồng mang lại đó là kiểm soát xói mòn thông qua nhiều hệ thống rễ và cấu trúc tán của các loại cây khác nhau. Khi đất được che phủ liên tục bởi cây, lớp đất trên bề mặt giàu dinh dưỡng nhất sẽ không bị nước cuốn đi khi mưa lớn xảy ra, hạn chế xói mòn đáng kể/

Hạn chế sự tập trung của sâu bệnh

Có rất nhiều loài sâu bệnh hại tồn dư lâu dài trong đất. Nếu thực hiện cố canh một loại cây trồng sẽ khiến mầm mống bệnh hại tiếp tục sinh sôi. Điều này làm ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây trồng, cho năng suất, sản lượng kém. Việc luân canh chính là giải pháp hữu hiệu để cắt đứt nguồn thức ăn hoặc môi trường sinh sản, gây hại của sâu bệnh. Bởi lẽ cây trồng mới không phải là thức ăn hoặc đối tượng gây hại của loại sâu bệnh trên cây trồng cũ.

Ta có thể thấy trên cây mía có một số sâu bệnh hại nguy hiểm như: bọ hung, rệp bông trắng, sâu đục thân… Khi chuyển sang luân canh đậu, lạc, thì các đối tượng sâu bệnh này sẽ chết, hoặc bị hạn chế sinh sôi, vì đậu lạc không phải là nguồn thức ăn của chúng.

Cải thiện cấu trúc đất

Trồng cố canh khiến đất bị nén chặt, chắc đất, khi tưới nước dễ bị trôi tuột, khó thấm. Lúc này, lợi ích của luân canh cây trồng là cải thiện cấu trúc đất, đất trở nên tơi xốp, thấm nước tốt hơn. Tạo điều kiện tốt cho sự nảy mầm của hạt và sự sinh sôi của rễ.

Luân canh giúp đất tơi xốp hơn

Giảm ô nhiễm môi trường

Như đã nói trên, luân canh giúp hạn chế sự tập trung gây bệnh. Điều này đồng nghĩa với việc bà con ít phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hơn, tức là giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trưởng.

Để việc luân canh mang lại hiệu quả tối ưu như trên, bà con cần chú ý một số điều sau:

Các cây trồng có rễ sâu nên trồng kế tiếp sau các cây trồng có rễ nông để giữ cấu trúc đất thông thoáng và hỗ trợ việc thoát nước. Nên trồng luân phiên giữa các cây trồng có sinh khối rễ cao và thấp. Rễ có sinh khối cao cung cấp các sinh vật đất, đặc biệt là giun cùng với vật chất để cho các sinh vật sống dựa vào đó. Các cây trồng cố định đạm nên trồng kế tiếp với các cây trồng yêu cầu đạm cao. Và có một số cây đặc thù không luân canh theo vụ theo năm mà có thể là vài năm như là cây mía hay cây chuối. Bà con cần nắm vững đặc tính sinh thái của từng loài để có phương án thích hợp nhé!