Tìm hiểu về bệnh than gây hại cây mía và cách phòng trừ

Cùng với bệnh thối đỏ, bệnh than là một loại bệnh gây hại nghiêm trọng trên cây mía. Bệnh do nấm Ustilago scitaminea Sydow gây ra và có mầm mống ở khắp mọi miền đất nước. Các bào tử nấm bệnh có thể tồn tại lâu trong đất, gây hại mía cả trong những năm sau nếu không vệ sinh, cải tạo đất. Bệnh còn có tên gọi khác là bệnh đen bột hay xoắn đọt trên mía. Bệnh khiến cây mía đẻ nhánh nhiều, thân cây nhỏ như bụi sả. Nếu không kịp thời phát hiện và khắc phục, bệnh sẽ khiến vụ mía mất mùa.

Triệu chứng cây mía nhiễm bệnh than

Khi bị bệnh than gây hại, triệu chứng đầu tiên bà con thấy đó là cây mía sẽ đẻ nhánh nhiều. Cây mía lúc này sẽ trông như bụi sả. Cây mía nhỏ còi không lớn được, đốt kéo dài ra, lá hẹp và ngắn lại. Cây mất khả năng sinh lóng mới. Bệnh nặng, cây mía sẽ tàn lụi dần và chết đi. Gây ảnh hưởng nặng nề tới năng suất và sản lượng mùa vụ.

Bệnh than khiến cây mía còi cọc, đẻ nhánh nhiều

Trên phía lá đọt sẽ mọc ra một roi cong, bên trong chứa đầy bào tử nấm nhìn giống như một khối bột màu đen. Đây là triệu chứng đặc trưng, điển hình chỉ có ở bệnh than. Tùy từng giống mía mà cây roi chứa bào tử bệnh sẽ có hình dạng và độ dài khác nhau. Có giống ngắn, nhưng cũng có giống dài đến 2-3 mét.

Roi bệnh này có thể xuất hiện từ đỉnh sinh trưởng của cây hoặc từ mầm nách. Khi mới nhú lên, roi than có một lớp màng mỏng màu trắng bạc bao bọc, bên trong chứa rất nhiều bào tử nấm màu đen. Khi màng mỏng bao bọc bên ngoài của roi này vỡ, các bột phấn đen giải phóng bào tử nấm, phát tán vào không khí, rơi xuống đất, bám vào cây mía… để tiếp tục gây bệnh cho cây khác và giữ mầm mống đến tận vụ sau.

Bệnh phát sinh nhiều vào thời gian từ tháng 4 đến tháng 6 và tháng 9 đến tháng 11 hàng năm.

Roi nấm

Phòng trừ bệnh than gây hại cây mía

Để phòng trừ bệnh than gây hại cây mía, bà con cần thực hiện những điều sau:

– Chọn giống khỏe, kháng bệnh.

– Không trồng giống mía mẫn cảm với bệnh này ở những đất có mầm mống của bào tử nấm. Với xứ đồng đã nhiễm bệnh vụ trước, không nên để lại gốc mà cày phá và luân canh. Nên trồng luân canh canh mía với cây họ khác như cây họ đậu sau hai năm để cải tạo gốc đất, loại trừ mầm mống bệnh.

– Vệ sinh đồng ruộng và chuẩn bị đất kỹ lưỡng trước khi trồng mía bởi bào tử nấm tồn tại rất lâu trong đất.

– Thường xuyên thăm đồng, khi phát hiện cây mía nhiễm bệnh phải chặt gom lại đốt tiểu hủy để diệt trừ nấm, không để lây lan.

– Bón phân cân đối dinh dưỡng hợp lý. Bổ sung các nguyên tố vi lượng để tăng đề kháng cho cây, ngăn ngừa sâu bệnh gây hại.

– Khi ruộng mía bị bệnh tấn công mạnh, bà con có thể sử dụng chế phẩm sinh học hoặc thuốc BVTV để phun trừ.