Phòng trừ ruồi vàng gây hại trên trái bưởi bằng phương pháp sinh học

Ruồi vàng đục trái là là loại sâu bệnh gây hại đặc biệt nguy hiểm trên cây có múi, nhất là cây bưởi. Ruồi chích vào trái đẻ trứng, nở thành sâu non khiến mẫu mã trái xấu, bị nặng có thể khiến trái bị thối, rụng dẫn đến giảm năng suất và chất lượng thương phẩm.

Ruồi vàng gây hại nhiều nhất vào giai đoạn trái gần thu hoạch. Vì vậy, phun thuốc hóa học không phải giải pháp tối ưu do khó đảm bảo thời gian cách ly.

Sử dụng phương pháp sinh học phòng trừ ruồi vàng gây hại trên trái bưởi được cho là có hiệu quả mà vẫn đảm bảo an toàn.

Biểu hiện trái bưởi bị ruồi vàng gây hại

Ruồi vàng gây hại trái bưởi

Ruồi vàng tạo ra các vết khuyết hoặc lỗ trên bề mặt trái bưởi để đẻ trứng. Các vết này ban đầu là chấm đen, sau lớn dần có màu vàng, rồi chuyển qua nâu. Sau khi trứng ruồi vàng nở, ấu trùng sẽ ăn thực phẩm bên trong trái bưởi, gây hại nghiêm trọng đến chất lượng và giá trị thương phẩm. Trái bị thối mềm, ứ nhựa, thịt bưởi trở nên khô, vỏ có dấu hiệu sần sùi, đổi màu. Ngoài ra, có thể thấy các bướu trắng nhỏ trên bề mặt trái, đây là những mảng bướu bảo vệ của con ruồi đầu cuối.

Ruồi vàng thường bắt đầu gây hại vào tháng 6, khi trái bưởi có kích thước tầm cái bát cơm. Mức độ gây hại sẽ tăng dần và tấn công mạnh vào cuối hè và những tháng mùa thu, khi trái bưởi già đến chín.

Vết ruồi vàng đục trái còn tạo điều kiện thuận lợi cho nấm và vi khuẩn xâm nhập làm trái lên men và bị rụng đi, làm giảm chất lượng và năng suất mùa vụ.

Cách phòng ngừa ruồi vàng gây hại trái bưởi bằng phương pháp sinh học

Như đã nói trên, việc phun thuốc hóa học trên trái bưởi rất khó đảm bảo an toàn thực phẩm do ruồi thường gây hại mạnh khi trái già, sắp chín để thu hoạch. Do vậy, bà con nên phòng ngừa ruồi vàng gây hại trái bưởi bằng các cách sau đây:

– Bao trái bằng túi chuyên dụng mã 3B – 27: Việc sử dụng túi bao trái chuyên dụng vừa giảm tác nhân gây hại, vừa nâng cao sản lượng trái đồng thời giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Ngoài ra, việc bao trái bằng túi chuyên dụng còn đảm bảo cho quá trình sinh trưởng, phát triển của trái. Do vào thời điểm hè- thu, ánh nắng gay gắt và nhiệt độ không khí cao dễ làm cho trái bị rám nắng, gây xấu mã trái bưởi.

– Sử dụng bẫy dính màu vàng trên cây bưởi. Loại này đơn giản nhất và bắt được cả những côn trùng gây hại khác như rầy, bọ phấn.

– Bẫy xịt màu vàng dính và có mùi hấp dẫn ruồi. Với loại này, bà con cần treo thêm chai nhựa, bóng nhựa để xịt lên đó làm bẫy.

Bẫy ruồi vàng

– Sử dụng lồng treo kết hợp với chất dẫn dụ, diệt ruồi vàng.

Bà con chú ý, các loại bẫy này cần được treo ngoài rìa vườn là chủ yếu để ngăn chặn ruồi vào vườn cũng như kéo ruồi ở trong vườn ra. Bà con cần căn cứ vào mức độ gây hại của ruồi và thời tiết mà bố trí mật độ bẫy phù hợp, đảm bảo ít nhất 30 bẫy/ha. Về tần suất, trung bình cứ 2 tuần thay bẫy 1 lần hoặc khi thấy mùi hương hấp dẫn suy giảm.

Để việc sử dụng bẫy được hiệu quả hơn, khi trồng bưởi, bà con nên trồng xen vài cây ổi ở rìa vườn. Bởi việc trồng xen ổi trong vườn bưởi sẽ hút ruồi vàng tới vườn, thuận tiện cho việc bẫy ruồi hơn.