Bệnh khảm không phải là một cái tên mới, đôi khi lạ tai nhưng đã được tìm hiểu từ lâu và nó xuất hiện trên nhiều loại cây trồng, gây tổn hại năng suất. Cây phát bệnh càng sớm thì tác hại càng lớn, thậm chí không cho thu hoạch.
Bệnh khảm là loại bệnh gây ra do virut, các dòng virut phổ biến là: thuốc lá (virus TMV), khoai tây (PVY), cây ớt (PMMV) và chính virus từ họ bầu bí (CMV)…
Môi giới truyền bệnh
Rệp, bọ phấn trắng, bọ trĩ…
Đặc điểm
- Khi bị nhiễm virus thì cây bị lùn, ngọn chùn lại, dây không vươn tiếp được, lá có màu không đồng nhất (khảm), hoặc bị vàng, hay xanh đậm, có khi bị nhỏ lại…
- Tùy theo mức độ nặng nhẹ của bệnh mà cây sẽ không có quả hoặc ít quả, quả nhỏ, còi cọc, sần sùi không lớn được, ăn sượng.
- Nếu nặng cây sẽ cằn cỗi và chết dần từ ngọn xuống.
Biện pháp phòng trị
Hiện nay chưa có loại thuốc nào chữa trị được bệnh này. Vì thế muốn hạn chế bệnh thì phải áp dụng tổng hợp các biện pháp. Ngăn chặn các loại môi giới truyền bệnh để phòng ngừa.
Biện pháp canh tác
- Chọn giống sạch bệnh.
- Chăm sóc để cây sinh trưởng và phát triển tốt, để bảo vệ và tăng cường sức chống đỡ với bệnh cho cây.
- Kiểm tra ruộng thường xuyên nhất là giai đoạn cây còn nhỏ. Kịp thời phát hiện và diệt trừ những côn trùng môi giới truyền bệnh, nhổ bỏ những cây bị bệnh ra khỏi ruộng để tránh lây lan.
- Trong quá trình chăm sóc cố gắng tránh tạo những vết thương cơ giới cho cây nhất là không nên để dụng cụ chăm sóc làm xây xát tạo vết thương trên cây vì dễ làm cho virus từ cây bị bệnh lây truyền sang cây khỏe.
- Không nên trồng liên tục trong nhiều năm liền, tốt nhất là luân canh với cây trồng khác.