Sâu keo mùa thu gây hại trên ngô (bắp)

Loài sâu này có nguồn gốc từ những vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới Châu Mỹ, hiện đã phát hiện ở Châu Phi và châu Á. Ngày 16/4/2019 Cục Bảo vệ thực vật chính thức xác nhận đối tượng này đã xâm nhập và gây hại tại Việt Nam.

Đặc điểm sinh thái và gây hại

Sâu keo mùa thu

Sâu non có 6 tuổi, tuổi 1-2 cơ thể màu xanh nhạt – vàng nhạt là phổ biến. Khi sâu non phát triển tuổi 3-6 có màu nâu xám – nâu sẫm với các sọc dọc thân. Tùy theo môi trường thức ăn, sâu non có màu nâu nhạt – xanh đen. Kích thước sâu non tuổi 1 dài khoảng 0,5 mm, lên tuổi 3 sâu non dài 6-9 mm; tuổi 6 đẫy sức sâu non dài 30-40 mm.

Trên trán sâu non tuổi lớn nhìn rõ hình chữ Y ngược màu vàng, mặt lưng màu đen với lông cứng dài. Trên mặt lưng đốt bụng cuối có bốn đốm đen được sắp xếp thành hình vuông (trong khi các đốt khác có 4 đốm đen xếp thành hình thang).

Nhộng sâu keo mùa thu dạng nhộng bọc, màu nâu cánh dán sáng bóng. Nhộng đực dài 13-15 mm, còn nhộng cái dài 16-17 mm. Đốt bụng cuối cùng có 2 gai.

Sâu keo hại ngô (bắp)

Giai đoạn trứng: Trứng dạng quả cầu, đường kính khoảng 0,4mm, cao 0,3mm, màu trắng ngà, đẻ vào chiều tối ở mặt dưới lá phía dưới, trứng đẻ thành ổ khoảng 100 – 200 quả/ổ, xếp thành 1 – 2 lớp, phía ngoài phủ một lớp tơ trắng đẻ bảo vệ trứng.

Giai đoạn sâu non (Ấu trùng): có từ 5 – 6 tuổi, khi mới nở đầu sâu có màu đen, đến tuổi 2-3 thân màu xanh lá cây, có sọc trắng điểm các đốm đen. Sâu sang tuổi 4-6 đầu màu nâu đỏ, có đốm trắng, thân có màu nâu đậm xen lẫn màu xanh lá cây, có sọc trắng, nâu chạy xen kẽ dọc thân. Trên thân có nhiều đốm đen, có gai lông. Nếu vì mật độ sâu quá nhiều hay do thiếu thức ăn sâu có thể chuyển sang màu đen và ăn thịt lẫn nhau. Đặc điểm nhận biết sâu keo mùa thu là đầu có chữ Y ngược, màu vàng, ở đốt bụng cuối có 4 chấm đen xếp thành hình vuông. Giai đoạn sâu non kéo dài khoảng 14 ngày trong mùa hè và 30 ngày trong mùa đông nếu trời rét, lạnh quá. Sâu gây hại chủ yếu vào buổi chiều tối và được di chuyển thành đàn để tìm thức ăn.

Giai đoạn nhộng: Giai đoạn nhộng trong đất, được vùi sâu khoảng 2-8 cm. Nhộng hình bầu dục, dài 1,5cm, có màu nâu đỏ, kéo dài khoảng 8-9 ngày trong mùa hè và 20-30 ngày trong mùa đông.

Giai đoạn ngài hay còn gọi là bướm: Bướm dài khoảng 1,7cm, có sải cánh dài khoảng 3,8cm, cánh trước màu nâu xám, cánh màng trong màu xám bạc có viền đậm ở rìa cánh. Bướm hoạt động mạnh vào ban đêm. Bướm cái có thể đẻ 200 trứng và có khả năng bay xa 500km đường trường để tiếp tục sinh trưởng, phát triển và phá hoại.

Giai đoạn gây hại: Sâu keo mùa thu gây hại chủ yếu ăn lá, thân. Sâu non mới nở, cắn lá phía dưới, lúc đầu chúng cạp biểu bì, để lại màng mỏng, sâu non ăn lá thành các lỗ nhỏ như lỗ kim. Sâu lớn ăn từ mép lá vào trong và ăn khuyết thành hàng dài trên phiến lá. Thông thường trên 1 cây chỉ có 1-2 con sâu do tập tính ăn thịt đồng loại khi sống gần nhau. Sâu lớn (tuổi 4-6) ăn phá mạnh, chỉ để lại gân lá và thân cây tả tơi, rách nát. Sâu lớn còn chui vào loa kèn ăn đứt đỉnh sinh trưởng (đọt ngô) của cây ngô. Sâu còn đục vào thân, vào bắp ngô, ăn hạt ngô, nhất là hạt ngô non và sẽ làm cho cả ruộng ngô, đồng ngô tan nát, gây thiệt hại rất lớn.

Sâu keo mùa thu gây hại trên ngô (bắp)

Sâu keo mùa thu trên ngô

Chỉ pha sâu non gây hại trên cây trồng, sâu non tuổi 1, đầu tuổi 2 ăn biểu bì của lá non – lá bánh tẻ tạo thành các vết trắng nhỏ li ti, khi sâu lớn dần tạo ra vết hại cũng lớn hơn hoặc liên kết tạo thành hình chữ nhật màu trắng đặc trưng. Từ tuổi 3 sâu non ăn khuyết lá, bẹ lá tạo thành các lỗ lớn như “cửa sổ”; từ giai đoạn trỗ cờ, phun râu, sâu non ăn râu, cờ ngô và chui vào bắp gây hại.

Sâu keo mùa thu có thể xâm nhập qua các con đường chính gồm: Sâu non di chuyển ở khoảng cách gần (cây này sang cây khác; ruộng này sang ruộng khác). Sâu non, nhộng, trứng thậm chí là trưởng thành di chuyền theo sản phẩm, phế phụ phẩm của cây ký chủ (ngô, cỏ thức ăn chăn nuôi, rau màu các loại,…) trong quá trình vận chuyển cây ký chủ qua biên giới hoặc theo hàng hóa thương mại từ nước ngoài vào Việt Nam hoặc giữa các địa phương trong nước. Trưởng thành tự bay tìm nơi đẻ trứng ở khoảng cách vài trăm mét đến hàng chục km. Trưởng thành di trú có thể bay theo gió xa hàng trăm km.  

Biện pháp phòng trừ bệnh

Biện pháp canh tác:

Làm sạch cỏ dại xung quanh vườn trồng ngô, làm đất rồi phơi đất để ấu trùng và nhộng trong bề mặt đất phía trên chết hoặc bị thiên địch tiêu diệt.

Làm đất kỹ góp phần diệt nhộng trong đất.

Biện pháp sinh học:

Nhiều loài ong ký sinh có khả năng ký sinh sâu non và nhiều loài bắt mồi ăn thịt sâu non được ghi nhận. Tỷ lệ ký sinh sâu non thường rất cao (20- 70%), chủ yếu là do ong bắp cày. Khoảng 10-15% sâu non chết do vi sinh vật gây bệnh như nấm, vi khuẩn, virus và tuyến trùng.

Biện pháp hóa học:

Hiện nay, Cục BVTV đã công bố danh mục thuốc tạm thời được sử dụng để phun trừ sâu keo mùa thu gồm các loại thuốc có hoạt chất và được sử dụng như sau:

TTTHoạt chấtLiều lượng(gam/ha)Thời điểm phun
 1Bacillus thuringiensis300 – 500Phun 2 lần, cách nhau 7 ngày. Phun thuốc khi sâu mới xuất hiện, tuổi 1-2. Lượng nước phun 400-600 lít/ha. Phun theo hàng ướt đều 2 mặt lá và nách lá.
 2Spinetoram30 – 36Phun giai đoạn cây có 4 đến 6 lá thật khi sâu mới xuất hiện ở tuổi 1-2. Phun 2 lần, cách nhau 10 – 12 ngày, lượng nước phun 400-600 lít/ha. Phun theo hàng ướt đều 2 mặt lá và nách lá.
 3Indoxacarb75Phun giai đoạn cây có 4 đến 6 lá thật khi sâu mới xuất hiện tuổi 1-2. Phun 2 lần, cách nhau 10 – 12 ngày, lượng nước phun 400-600 lít/ha. Phun theo hàng ướt đều 2 mặt lá và nách lá.
 4Lufenuron30Phun giai đoạn cây có 4 đến 6 lá thật khi sâu mới xuất hiện tuổi 1-2. Phun 2 lần, cách nhau 10 – 12 ngày, lượng nước phun 400-600 lít/ha. Phun theo hàng ướt đều 2 mặt lá và nách lá.
 5Emamectin benzoate10 – 15Phun giai đoạn cây có 4 đến 6 lá thật khi sâu mới xuất hiện tuổi 1-2. Phun 2 lần, cách nhau 10 – 12 ngày, lượng nước phun 400-600 lít/ha. Phun theo hàng ướt đều 2 mặt lá và nách lá.