Xoài là cây ăn trái được trồng rất phổ biến và đặc trưng ở nước ta. Năng suất cao, dễ thu hái và vận chuyển cũng như xuất khẩu; Vị ngon, phù hợp với nhiều người nên rất được ưa chuộng.
Việc chăm sóc xoài cũng khá đơn giản, một số loại sâu bệnh phổ biến được liệt kê như dưới đây
Sâu đục chồi, cuống xoài
Sâu đục cành non xoài
Chlumetia transversa và Alcicoides sp.
Chúng thuộc bộ cánh phấn. Thành trùng là con ngài nhỏ có sải cánh 1,75cm. Con cái đẻ trứng trên lá. Sâu non khi mới nở ra thì đục ngay vào lá, sau đó chúng đục thẳng vào đầu các ngọn non, chùm hoa, ăn rỗng phía trong làm cho chồi non, cành hoa bị héo đi hoặc gãy đổ.
Sâu đục cành lớn xoài
Penicillaria jocosatrix
Mặc dù không phổ biến nhưng sâu đục cành lớn thuộc bộ Lepidoptera, họ Noctuidae thường ăn chồi non, làm ngừng sinh trưởng của cây non trong vườn ươm, cây non và cả trên quả non, cuống quả. Ngài trưởng thành có cánh dài 25mm, mầu nâu đỏ với những dấu nhạt chạy ngang cánh trước. Cánh sau màu trắng có rìa nâu. Trứng màu chanh và đẻ từng quả một ở cả 2 mặt lá của chồi non. Sau 3-5 ngày trứng nở thành sâu non có màu xanh nhạt đến xám và dài tới 27 mm bắt đầu đục vào các chồi non, chồi hoa, cuống quả để gây hại làm héo chồi, gẫy cành và rụng quả non. Sâu non đẫy sức hoá nhộng trong đất và 16-20 ngày sau ngài xuất hiện. Sâu thường phát sinh, phát triển nhiều lứa trong mùa xuân và mùa hè nóng ẩm, nhất là các vùng khí hậu nhiệt đới.
Sâu đục cành xoài
Niphonolea albata và Niphonolea capito
Chúng cũng thuộc bộ cánh phấn, thường gây hại bằng cách cắn tiện ngang ngọn của các cành non để đẻ trứng vào. Sâu non nở ra đục vào mô gỗ làm cành bị chết khô, thường gây hại nặng trong mùa mưa. Những cành ngọn sắp ra hoa cũng bị chúng gây hại nặng.
Biện pháp ngăn chặn sâu hại
- Khi thấy các cành non mới bị héo đây là lúc các sâu non đang đục ngược ra phía ngọn cành, dùng kéo cắt hoặc bẻ bằng tay rất dễ vì chúng có lỗ đục ngang nên cành dễ gãy, ta sẽ loại bỏ được các con sâu non.
- Với các cành đã héo khô, lúc này sâu non đã đục xuống cành lớn hơn qua khỏi lỗ đục ngang ban đầu, ta có thể cắt sâu xuống một đoạn để loại bỏ sâu non hoặc nhộng đang nằm trong thân cành. Thu gom các cành này lại để đốt nhằm hạn chế lây lan vì khi sâu đã đục vào trong cành thì phun thuốc không có hiệu quả.
- Thường xuyên quan sát, phát hiện sâu, trứng sâu trên các đợt chồi non, lộc non, nhất là trước khi cây chuẩn bị ra lộc, ra hoa để kịp thời phun thuốc diệt trừ các con trưởng thành và trứng mới đẻ. Khi thấy có nhiều trứng hoặc sâu non đến mật độ cảnh báo, cần dùng thuốc bảo vệ thực vật để trừ.
Xoài bị rụng quả
Mặc dù xoài thường ra hoa rất nhiều nhưng rụng hoa, rụng quả non cũng không ít, đôi khi tỷ lệ rụng hoa và quả non lên đến 99%.
Nguyên nhân
- Xoài rụng hoa và quả non nhiều có thể do hiện tượng ra quả cách niên. Nhiều cây xoài, đặc biệt là những cây già thường kiệt sức sau một vụ mang quả nên vụ sau thường ra rất ít quả, hoặc không có. Tuy nhiên, cũng có những giống xoài như xoài cát, Thanh Ca thường xuyên xuất hiện hiện tượng ra quả cách niên.
- Thời tiết không thích hợp (mưa gió, ẩm thấp…) cũng ảnh hưởng đến sự thụ phấn vì nó cản trở sự hoạt động của những côn trùng thụ phấn hoặc làm rữa hạt phấn không cho nảy mầm trên nhụy hoặc làm vỡ hạt phấn. Tỷ lệ thụ phấn cao khi trời nóng và khô.
- Việc rụng hoa nhiều cũng có thể xuất hiện từ yếu tố di truyền, giống nào có cuống to thường ít rụng hoa và quả.
- Thiếu nước và dinh dưỡng trong thời gian mang quả cũng làm quả non rụng nhiều.
Ngoài ra, một số sâu bệnh như: Rày bông xoài, bù lạch – bọ trĩ, bệnh thán thư…cũng thường gây nên hiện tượng rụng hoa, quả non ở xoài.
Biện pháp xử lý
- Cung cấp nước và dinh dưỡng đầy đủ cho cây trong thời gian ra hoa và mang quả (nếu thừa nước trong thời gian này cũng làm tăng khả năng rụng hoa, quả).
- Sau khi thu hoạch nên xén tỉa những cành bị sâu, cành già, đồng thời bón phân đầy đủ, nhất là phân đạm để giúp cây phục hồi nhanh và tích luỹ đủ chất dinh dưỡng cho vụ sau. Có thể phun thêm phân bón lá (có chứa đồng, kẽm, mangan và ma nhê) vào giai đoạn ra lá non để cây phát triển tốt.
- Hạn chế phun nhiều thuốc trừ sâu trong gia đoạn ra hoa để không ảnh hưởng đến các côn trùng thụ phấn, đặc biệt ruồi nhà là côn trùng thụ phấn tốt nhất cho xoài.
Xác định đúng đối tượng sâu bệnh và chọn đúng thuốc để phòng trừ.
Trong thời gian từ 2 – 7 tuần sau khi trổ, hoa (quả non) thường dễ rụng do cuống tạo tầng rời, vì thế nên phun chất điều hoà sinh trưởng như NAA hoặc GA3, có thể phun 2- 3 lần. Lần đầu khoảng 15-20 ngày sau khi hoa nở rộ, lần sau khi quả to bằng ngón tay cái. Giai đoạn đầu phun NAA (50ppm), những giai đoạn sau nên phun GA3 sẽ giúp cây phát triển nhanh và giảm rụng quả. Cần phun đúng liều lượng trong khuyến cáo để tránh gây thiệt hại cho cây trồng.
Cần tỉa bớt quả nếu cây ra quá nhiều, nhất là những cây tuổi còn nhỏ, nếu để quả nhiều sẽ làm cây kiệt sức ở vụ sau.