Quản lý sâu hại hành tỏi

Sâu xanh da láng (Spodoptera exigua)

Sâu xanh da láng trên hành

Sâu non tuổi nhỏ gặm lá. Tạo thành những vết hình thù không xác định Phần lá sâu để lại bị khô. Sâu tuổi lớn có thể ăn cụt hoặc khuyết lá. Sâu thường gây hại mạnh vào các tháng ít mưa hoặc ruộng khô hạn.

Biện pháp phòng trừ:

  • Thăm đồng thường xuyên, phát hiện sớm ổ trứng và ngắt bỏ.
  • Bắt sâu non bằng tay khi sâu còn nhỏ sống tập trung.
  • Bảo vệ các loài thiên địch của sâu hại như: ong, ruồi ký sinh bằng cách hạn chế sử dụng thuốc hoá học hoặc dùng một số loại thuốc có hoạt chất sau khi mật độ sâu quá cao: Abamectin; Spinosad; Tebufenozide…

Bọ trĩ (Thrips spp.)

Bọ trĩ hại hành

Bọ trĩ non và trưởng thành dùng miệng chích vào mô cây để hút dinh dưỡng làm cho cây sinh trưởng kém. Lá bị hại nhẹ trên bề mặt lá có nhiều vết chấm nhỏ, khi bị hại nặng lá bị kéo, biến màu vàng sau chuyển sang màu nâu đen. Khi bị hại nặng lá quăn queo, lá non biến dạng và bị cong xuống phía dưới.
Bọ trĩ thường phân bố tập trung dọc theo rìa lá. Dùng tay ướt vuốt nhẹ mép lá có thể thấy bọ trĩ bám vào. Đây cũng là cách dùng để nhận biết cây bị hại.

Biện pháp phòng trừ:

  • Vệ sinh đồng ruộng thu dọn tàn dư cây vụ trước đem chôn.
  • Dùng bẫy màu vàng từ khi cây con để diệt bọ trĩ non tuổi lớn và trưởng thành.
  • Sử dụng các loại thuốc có hoạt chất sau: Abamectin; Imidacloprid; Fipronil…

Dòi đục lá (Delia antiqua)

Còn gọi là sâu vẽ bùa, gây hại cho cây bằng cách đục thành những đường ngoằn ngoèo ở mặt trên lá, lúc đầu đường đục nhỏ, càng lúc càng to dần cùng với sự phát triển của cơ thể ấu trùng. Đường đục xuất hiện ở cả hai mặt lá nhưng thấy rõ nhất là ở mặt trên lá. Khi trưởng thành, giòi đục thủng biểu bì chui ra ngoài và làm nhộng trên mặt lá hay trên các bộ phận khác của cây hoặc buông mình xuống đất làm nhộng.

Dấu vết dòi đục lá

Các vết đục khắp mặt lá làm cho lá bị khô, giảm phẩm chất của tỏi, nếu trầm trọng làm năng suất giảm.

Biện pháp phòng trừ:

  • Vệ sinh đồng ruộng, làm sạch cỏ đặc biệt là những loài cỏ lá rộng (ký chủ phụ của ruồi) trước khi xuống giống khoảng 1 tháng
  • Luân canh với các loại cây trồng khác họ
  • Ngắt bớt những lá bị ruồi đục đem chôn để giảm bớt nguồn sâu, nhất là các lá già; Dùng bẫy dính màu vàng để bẫy ruồi trưởng thành
  • Có thể sử dụng một số loại thuốc có họat chất sau: Chlorantraniliprole; Cyromazine; Roninda; Matrine…