Phòng trừ mối gây hại cây trồng

Một trong những loại sâu hại đặc biệt nghiêm trọng đến cây trồng phải kể đến mối. Ở nước ta, mối gây hại rừng trồng bạch đàn và keo cho đến nay đã được ghi nhận ở hầu hết các vùng trọng điểm trồng rừng trên toàn quốc. Mối chủ yếu gây hại rừng trồng bạch đàn, keo lai dưới 12 tháng tuổi, tỷ lệ cây chết trung bình 20-30%, có nơi tới 60-80%, gây tổn thất nặng nề cho nhà vườn.

Mối gây hại cây trồng như thế nào?

Mối gây hại trên cây trồng

Theo tài liệu của Lâm Bình Lợi, Patrick y Durand (1971) thì ở Việt Nam có 3 họ (Kalotermitidae, Rhinotermitidae và Termitidae không có họ Termopsidae), 18 giống gồm 37 loài được nghi nhận ở Nam Việt Nam, trong đó Kalotermitidae có 1 giống gồm 1 loài, Rhinotermitidae có 3 giống gồm 7 loài và Termitidae có 14 giống gồm 29 loài. Gần đây trong công trình “Mối Macrotermes (Termitidae, Isoptera) ở Việt Nam và biện pháp phòng trừ (Luận văn Khoa học 1997” của Nguyễn Tân Vương) tài liệu này đưa ra 14 loài mối thuộc giống Macrotermes được nghi nhận ở Nam Việt Nam, trong đó có 4 loài mới có khu hệ và 3 loài mới cho kha học. Như vậy ở Việt Nam có 18 giống gồm 44 loài thuộc Isoptera được phát hiện từ Đèo Ngang trở vào (Lâm Bình Lợi 1971 và Nguyễn Tân Vương 1997).

Mối gây hại trên cây trồng chủ yếu là ở mùa khô, tập trung trên những cây trồng dưới 12 tháng tuổi, đặc biệt là bạch đàn.

Mối cắn rễ và gốc thân ở dưới đất. Chúng ăn tạo nên những đường hầm xung quanh thân cây, làm mất lớp vỏ cây. Điều này khiến mạch dẫn nhựa sống của cây bị tắc, cây không được vận chuyển dinh dưỡng dẫn đến chết đi.

Phòng trừ mối gây hại cây trồng

Mối

– Để phòng ngừa mối, bà con cần vệ sinh vườn, rừng trước khi trồng cây con. Dọn sạch cành, lá khô, vì cành, lá khô là thức ăn của mối cũng chính là vật dẫn mối đến.

– Chọn giống cây khỏe, đề kháng tốt. Chú ý không xén rễ vì xén rễ làm tăng nguy cơ xâm nhiễm cơ giới vào cây con.

– Có thể trồng cây với mật độ dày, sau khi cây trồng vượt qua được giai đoạn nhiễm mối thì thực hiện tỉa lại theo mật độ trồng hợp lý.

– Sau khi trồng cây, nếu kiểm tra vườn thấy có nhiều mối đến xâm nhập, bà con có thể làm những hố nhử mối bằng cành lá. Mỗi ha có thể đào 5-7 hố, sâu khoảng 60 cm và có đường kính 60 cm. Bà con cho cành nhánh, lá, mối thích ăn xuống, lấp nhẹ đất, tưới nước, nhử mối. Khi mối tìm đến thì dùng thuốc trừ sâu diệt cả bầy trong hố.

– Bà con có thể bắt mối lên để kiểm tra xem đó là loài mối gì để có biện pháp diệt trừ hợp lý bằng cách sau:

 Ấn một vật vào đầu con mối lính nếu nó tiết ra chất dịch trắng là loại mối gỗ ẩm. Bà con hãy sử dụng phương pháp diệt mối lây truyền. Nếu đầu mối lính không tiết ra chất dịch trắng thì đó là loại mối đất, lúc này bà con hãy áp dụng phương pháp diệt mối bằng cách bơm thuốc trực tiếp tại tổ.