Thời điểm này, lúa vụ Thu-Mùa đang trong giai đoạn mạ – hồi xanh, đẻ nhánh. Ngoài việc bón phân cân đối dinh dưỡng thì phòng trừ sâu bệnh hại cũng rất quan trọng. Giai đoạn này, cây lúa rất dễ bị bệnh lùn sọc đen gây hại. Đây là là loại bệnh do virus gây ra, không có thuốc trừ khi virus đã xâm nhiễm vào cây lúa mà chỉ trừ môi giới truyền bệnh là rầy lưng trắng.
Cùng Nông nghiệp AVN tìm hiểu về triệu chứng bệnh lùn sọc đen trên lúa vụ Thu Mùa và cách phòng trừ nhé!
Triệu chứng lúa nhiễm bệnh lùn sọc đen
Bệnh lùn sọc đen có thể diễn ra vào tất cả giải đoạn sinh trưởng của cây lúa, từ khi còn là cây mạ cho đến lúc cây trổ bông.
Khi cây lúa ở giai đoạn mạ, triệu chứng bệnh không rõ ràng, rất khó phát hiện với hiện tượng thiếu dinh dưỡng. Thường cây lúa nhiễm bệnh chỉ xuất hiện triệu chứng thấp lùn, còi cọc và thân lá có màu xanh đậm.
Giai đoạn lúa đẻ nhánh, lúa nhiễm bệnh ngoài triệu chứng trên sẽ xuất hiện tình trạng xoăn ở đầu lá hoặc toàn bộ lá, rách mép lá. Gân lá ở mặt sau bị sưng lên. Một số dảnh lúa xuất hiện các nhánh phụ mọc lên từ đốt thân và có nhiều rễ bất định tại gốc nhánh phụ. Trên bẹ và lóng thân xuất hiện nhiều u sáp và sọc đen.
Giai đoạn lúa làm đòng, các triệu chứng như giai đoạn đẻ nhánh nhưng biểu hiện rõ nét hơn. Cây lúa thấp lùn khác biệt rõ ràng với cây lúa khỏe. Phiến lá bắt đầu chuyến vàng, khô đầu lá sau đó xuất hiện các vết gỉ sắt, đốm nâu lên lá. Ở đốt thân sát gốc xuất hiện nhiều u sáp trắng nối gồ, mọc nhiều rễ mọc ngược. Rễ cây bắt đầu bị hủy hoại, bà con nhổ khóm lúa lên sẽ thấy rễ thối đen. Quan sát ruộng lúa lúc này sẽ thấy nhấp nhô do cây nhiễm bệnh và cây khỏe phát triển không đồng đều.
Giai đoạn lúa trỗ bông, các khóm lúa nhiễm bệnh sẽ bị thối rễ, lụi dần. Những khóm nhiễm bệnh muộn hơn thì nghẹn đòng, không phát triển, bông trỗ thoát nhiều hạt bị lép đen, lép lửng.
Phòng trừ bệnh lùn sọc đen trên lúa
Bà con có thể phòng trừ bệnh lùn sọc đen trên lúa như sau:
– Chọn giống khỏe, kháng bệnh, giống ít nhiễm rầy bởi rầy chính là môi giới truyền bệnh. Không chọn giống dài ngày, thoái hóa, nhiễm sâu bệnh, nhất là từ vùng đồng ruộng nhiễm bệnh ở vụ Chiêm.
– Vệ sinh đồng ruộng sạch bằng cách bón vôi, cày vùi gốc rạ để diệt lúa chét-ký chủ phụ của rầy lưng trắng dẫn đến bệnh lùn sọc đen. Dọn sạch bờ mương để hạn chế nơi trú ẩn và triệt nguồn thức ăn của rầy.
– Bà con nên tiến hành phun thuốc trừ rầy cho mạ trước khi đưa ra ruộng cấy từ 3-5 ngày để phòng bệnh. Nếu phát hiện mạ có dấu hiệu bị nhiễm bệnh thì tiêu hủy ngay, không đưa ra ruộng cấy.
– Khi đã gieo cấy, thường xuyên thăm đồng để phát hiện bệnh. Nhất là với những ruộng đã có tiền sử bệnh.
– Không bón quá dư đạm, không phun kích thích tăng trưởng khi lúa đã nhiễm bệnh.
– Với những khóm lúa nhiễm bệnh, bà con nhổ bỏ và tiêu hủy kịp thời, tránh để lây lan rộng.
Nếu có trên 30% số dảnh lúa bị bệnh ở giai đoạn lúa phân hóa đòng thì tiến hành tiêu hủy ngay cả ruộng bằng cách cày vùi diệt mầm bệnh, trước khi cày vùi phun thuốc trừ rầy để ngăn chặn nguồn bệnh phát tán sang các ruộng khác.
Trên đây là triệu chứng về bệnh lùn sọc đen cũng như cách phòng trừ. Bà con lưu ý và thường xuyên thăm nom đồng ruộng để có biện pháp can thiệp kịp thời.