Thời gian này mưa nắng thất thường, lượng mưa kéo dài khiến cây trồng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Với cây khoai mì, thời điểm này rất dễ bị nấm hại tấn công gây nên hiện tượng thối củ. Điều này gây suy giảm năng suất, lượng khoai mì không thối hỏng cũng có hàm lượng bột như tiêu chuẩn.
Nguyên nhân gây bệnh thối củ trên khoai mì
Bệnh thối củ trên khoai mì thường gặp ở những vựa trồng đất trũng, hệ thống thoát nước kém và có điều kiện thời tiết mưa nắng thất thường. Điều này khiến bộ rễ khoai mì bị ảnh hưởng. Chúng ta biết rằng củ khoai mì được tạo nên từ hệ thống rễ củ. Chúng phát triển từ những mô phân sinh. Khi chúng được tập trung nhiều dinh dưỡng, các mô tượng tầng hoạt động mạnh sẽ hình thành củ. Vào thời điểm thời tiết thất thường, mưa nhiều kéo dài sẽ khiến bộ rễ dễ bị nấm bệnh tấn công. Trong đó, nấm Phytophthora sp.-Phycomycetes tồn tại trong đất hoạt động mạnh mẽ trong điều kiện thời tiết nói trên khiến cây khoai mì nhiễm bệnh thối củ.
Bệnh thường phát sinh từ khi củ mới hình thành nhưng tập trung gây hại nặng khi củ lớn đến thu hoạch.
Khi bị bệnh thối củ, năng suất khoai mì giảm 80% và chỉ số bột thấp. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất và chất lượng nông sản.
Biểu hiện cây khoai mì nhiễm bệnh thối củ
Bệnh xuất hiện trên lá tạo ra các vết cháy màu nâu. Trên củ và cuống rễ có những vết nâu có hình dạng không cố định. Gốc chồi non bị thối, lớp vỏ chồi bị nhũn, phần cổ rễ bị héo tóp, bộ rễ tơ bị thối ủng, có mùi hôi. Nếu bệnh nặng, thời tiết ẩm thấp, ta sẽ thấy lớp tơ nấm màu trắng xuất hiện trên bề mặt vết bệnh. Bị nhiễm bệnh, cây có khả năng sinh trưởng kém, nguy cơ chết cao.
Phòng trị bệnh thối củ khoai mì
Để phòng trị bệnh thối củ trên khoai mì, bà con cần thực hiện các công việc sau:
Đối với vườn khoai mì đang trồng:
– Thường xuyên thăm vườn để phát hiện bệnh sớm.
– Xử lý tiêu thoát nước tốt cho vườn khoai.
– Hạn chế phun các loại phân bón qua lá có chứa chất tạo củ sẽ làm nứt củ là điều kiện để các tác nhân như nấm, vi khuẩn xâm nhập gây hại;
– Đối với cây khoai mì mới bị nhiễm bệnh ở giai đoạn < 6 tháng tuổi, bệnh mới xâm nhập vào phần gốc chưa gây thối củ: Có thể xử lý bằng một trong các loại thuốc trừ bệnh có hoạt chất như: Fosetyl Aluminium, Pencycuron, Kasugamycin + Copper Oxychloride theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
– Đối với cây khoai mì bị nhiễm bệnh ở giai đoạn sau 6 tháng tuổi hoặc đã bị thối củ: Tiến hành thu hoạch sớm khi quan sát thấy trên đồng ruộng bệnh có chiều hướng lây lan nhằm hạn chế thất thu vào cuối vụ.
– Nhổ bỏ cây bệnh khi mới chớm phát sinh, rắc vôi bột vào gốc trên mặt luống hoặc tưới nước vôi loãng 4% vào gốc sẽ hạn chế các loại nấm gây bệnh.
– Thực hiện tiêu hủy tàn dư cây khoai mì sau thu hoạch để hạn chế nguồn bệnh tích luỹ vào trong đất gây hại nặng cho vụ mì sau.
Đối với vụ mùa mới, bà con cần vệ sinh đồng ruộng sạch sẽ. Làm đất kỹ, tạo nền đất đều. Bón vôi trước khi trồng 15 ngày. Nên thực hiện luân canh cây trồng khác để cải tạo đất. Sử dụng giống khỏe và thực hiện bón phân cân đối dinh dưỡng.