Nhận diện các loại bệnh hại trên cây Điều

1. Bệnh thán thư

Bệnh do nấm Colletotrichum gloeosporioides gây ra.

Nấm gây bệnh thán thư trên điều có phổ kí chủ rất rộng, gây hại trên nhiều loại cây trồng như: Bơ, hành tỏi, ớt, cà chua, cây mì, điều, tiêu, bông vải.

Bệnh thán thư trên cây điều

Triệu chứng

  • Nấm gây ra các vết bệnh trên lá, làm khô cành non, thối hoa và cuối cùng gây ra các vết bệnh trên quả.
  • Trên lá vết bệnh ban đầu là những chấm nhỏ màu nâu tím, sau lớn dần hơi tròn, giữa màu nâu xám, chung quanh viền nâu vàng. Trên vết bệnh có những chấm đen nhỏ đó là các ổ bào tử. Nhiều vết bệnh liên kết nhau làm lá bị cháy khô từng mảng.
  • Trên cành non có các vết nâu làm khô vỏ, cành héo.
  • Bông bị bệnh biến nâu khô, rụng nhiều.
  • Vết bệnh trên quả là những đốm nâu hơi ướt, bên trong bị thối.

Điều kiện phát sinh phát triển

Bệnh thán thư gây hại điều phân bố rải rác quanh năm, trong tất cả các giai đoạn sinh trưởng. Bệnh lây lan nhanh trong điều kiện ẩm độ không khí cao. Nhưng bệnh bắt đầu gây hại mạnh vào giai đoạn mùa mưa đặc biệt giai đoạn cuối mùa mưa khi điều bắt đầu ra chồi, bông và trái non.

Tùy từng độ tuổi khác nhau mà diễn biến bệnh cũng khác nhau. Trên điều nhỏ hơn 05 năm tuổi (giai đoạn kiến thiết cơ bản) bệnh tăng và mức độ cao từ tháng 8 đến tháng 12, đây là giai đoạn điều ra chồi rộ, ẩm độ không khí cao thích hợp nấm bệnh gây hại. Giai đoạn từ tháng 1 – 3 năm sau mức độ bệnh thấp, giảm vì đây là giai đoạn mùa khô ẩm độ không khí thấp không thích hợp. Giai đoạn tháng 4 – 8 năm sau bệnh có xu hướng tăng.

Phòng chống

  • Tăng cường chăm sóc vườn cây, tạo cho vườn thông thoáng.
  • Khi bệnh phát sinh trong điều kiện thời tiết thuận lợi cho bệnh phát triển sử dụng thuốc trừ bệnh có hoạt chất sau: Copper Oxychloride; Mancozeb.

2. Bệnh chảy mủ thân cành

Bệnh do nhiều loại nấm như: Pellicularia salmonicolor, Diplodia natalensis, Ceratocystis sp…. gây ra.

Bệnh nứt thân xì mủ

Triệu chứng

Bệnh gây hại trên thân và các cành đã hóa gỗ. Khi cây bị bệnh dọc trên các bộ phận thân cành xuất hiện các đường nứt dọc, lúc đầu có nhựa trong suốt, sau có màu nâu nhạt hoặc màu nâu đỏ chảy ra, sau chuyển màu đen thẫm dần. Nếu bị nặng cây suy kiệt và chết.

Điều kiện phát sinh phát triển

Bệnh phát triển mạnh trong điều kiện nhiệt độ cao, mưa nhiều; vườn cây rậm rạp thiếu ánh nắng.

Phòng chống

  • Tỉa cành vệ sinh vườn tạo cho vườn thông thoáng, thoát nước tốt.
  • Hàng năm phun ngừa bệnh bằng thuốc đặc trị vào đầu mùa mưa và quét vôi trên thân từ gốc cây lên 01 m.
  • Khi cây bị bệnh nên cạo sạch vết bệnh quét kỹ thuốc lên bề mặt đã cạo.

3. Bệnh nấm hồng

Bệnh do nấm Corticium salmonicolor gây ra.

Bệnh nấm hồng trên điều

Triệu chứng

Đầu tiên trên lớp vỏ cành xuất hiện những chấm nhỏ màu trắng. Các đốm trắng lớn này dày lên và dần chuyển sang màu hồng, bao phủ một phần hoặc khắp vỏ cây, phủ khắp cành. Bệnh xuất hiện từ ngọn sau lan dần xuống cành.

Điều kiện phát sinh phát triển

  • Bệnh phát triển mạnh trong điều kiện nhiệt độ cao, mưa nhiều, cây rậm rạp ít ánh nắng. Sợi nấm và bào tử tồn tại ở các cành bị hại gặp điều kiện thích hợp phát triển tiếp tục lây nhiễm. Bệnh thường xuất hiện trong tháng 6 – 9.
  • Bệnh gây hại nặng trên các vườn điều trồng quá dày, chăm sóc kém.

Phòng chống

  • Thường xuyên vệ sinh vườn điều, tỉa bớt cành lá vô hiệu, cắt bỏ các cành bị bệnh đem chôn hoặc đốt đi để giảm nguồn bệnh.
  • Dùng các loại thuốc gốc đồng bôi vào mặt cắt để ngăn nấm xâm nhập trở lại.
  • Trên các vùng thường bị bệnh nên phun thuốc phòng cho toàn vườn bằng thuốc gốc đồng