Nguyên nhân sầu riêng bị sượng cơm

Sượng cơm là vấn đề nan giải của nhiều bà con trồng sầu riêng. Tùy từng loại sầu mà hiện tượng sượng có biểu hiện khác nhau. Tuy nhiên, điểm chung là phần “cơm”-tức phần múi ăn được của sầu riêng gặp hiện tượng rối loạn sinh lý làm cho phần cơm này giảm chất lượng, hương vị kém, ảnh hưởng nghiêm trọng đến giá trị kinh tế của vườn sầu, nhất là khi hiện nay hầu hết nhà vườn đều phải thực hiện chính sách “bao đổi”, “bao ăn”.

Cùng AVN tìm hiểu về hiện tượng này nhé!

Sầu riêng sượng cơm là hiện tượng gì?

Sầu riêng sượng cơm

Tùy từng giống sầu riêng mà biểu hiện sượng sẽ khác nhau. Cụ thể như sau:

– Sượng cơm ở giống sầu riêng Monthong sẽ có hiện tượng cơm cứng hoặc nhão, cơm mất màu.

–  Trên giống Sầu riêng RI 6 hiện tượng sượng cơm chủ yếu là “cháy múi”. Phần cơm sượng sẽ có màu nâu hoặc bị biến dạng.

–   Giống sầu riêng Sữa Hạt Lép hiện tượng sượng chủ yếu là cơm nhão, mềm. Hiện tượng cháy vách múi, cơm phát triển không đều hoặc ít cơm.

–   Sầu riêng Khổ Qua xanh thường xuất hiện hiện tượng nhão cơm. Cơm rất mềm,  không thể cầm bằng tay được.

Ngoài ra, các loại sầu còn có hiện tượng “sượng bao” tức là phần cơm phía trong tiếp giáp với vách múi có màu trắng, cứng nhưng bên ngoài vẫn mềm. Hoặc “sượng” do cơm trái có màu sắc vàng, trắng không đồng đều như “da lợn”, phần cơm có màu trắng thường hơi cứng hơn so với phần có màu vàng.

Phần cơm sượng khiến hương vị sầu riêng suy giảm, kém thơm ngon, thậm chí có vị đắng, chát.

Nguyên nhân gây sượng cơm cầu riêng

Các nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng sượng cơm trên sầu riêng:

– Do sự cạnh tranh dinh dưỡng trong quá trình nuôi trái

Từ sau 8 đến 12 tuần kể từ lúc đậu quả, sầu riêng phát triển rất mạnh ở phần cơm. Nếu trong giai đoạn này, cây ra đọt non thì sẽ dẫn đến cạnh tranh chất dinh dưỡng. Lúc này, chất dinh dưỡng sẽ dồn nhiều cho đọt non phát triển, vì thế trái sẽ không lớn như bình thường mà có hiện tượng sầu riêng bị sượng.

Do vậy, trong thời kỳ nuôi trái không nên bón phân đạm vì phân đạm kích thích chồi non phát triển sẽ ảnh hưởng đến trái. Có thể phun định kỳ phân KNO3 (Nitrat Kali) pha 150g/10 lít nước 10 -15 ngày/lần, phun liên tục 3-4 lần sau khi đậu trái để ức chế sự phát triển của đọt non.

Sầu riêng ra đọt khi trái tạo cơm sẽ khiến cơm sượng

– Do điều kiện thời tiết

Lượng nước có ảnh hưởng rất lớn đến giai đoạn phát triển trái sầu riêng. Thời điểm tạo cơm sầu mà gặp thời tiết mưa quá nhiều sẽ khiến mực nước trong đất cao. Có nghĩa rằng độ ẩm đất gia tăng, đây là nguyên nhân khiến cây ra đọt non nhiều, dẫn đến sự cạnh tranh dinh dưỡng như nguyên nhân trên.

– Do giống sầu riêng

Cây sầu được nhân giống bằng hạt nên đối với những cây mới ra trái được 1 – 2 năm đầu tiên thì thường bị sượng cơm. Bởi cây trồng bằng hạt sinh trưởng mạnh, đọt non ra nhiều dẫn đến cạnh tranh dinh dưỡng như nói ở trên. Khi cây lớn dần, phát triển lâu dài thì hiện tượng sượng cơm sẽ giảm đi.

– Do mất cân bằng dinh dưỡng

Mất cân bằng dinh dưỡng là nguyên nhân gây ra hiện tượng sầu riêng bị sượng cơm. Sầu bị cháy múi là do thiếu chất Bo, bị cứng cơm là do bị mất cân bằng giữa canxi, kali, magie. Phân bón có chứa Clo như phân KCl, các loại phân NPK có chứa KCl cũng là nguyên nhân khiến sầu bị sượng. Do đó, tránh dùng loại phân có nhiều chất này như KCl. Khi dùng phân kali bón cho sầu riêng, nhất là trong thời kỳ trái đang phát triển, nên dùng phân K2SO4 (sulfat kali), không nên dùng các loại phân hỗn hợp có kali vì các phân này cũng có khi có trộn từ KCl.