Màng phủ nông nghiệp hay còn gọi là nilon, là vật liệu bằng nhựa dẻo, mỏng dùng để phủ lên mặt luống (liếp) cây trồng. Những năm qua, màng phủ nông nghiệp được bà con nông dân sử dụng rộng rãi trong canh tác một số loài cây trồng cạn như ngô, lạc, cà chua, cải bắp, dứa… Tuy nhiên, phải biết vận dụng hợp lý vào từng gốc đất, từng giống cây, từng giai đoạn phát triển… Nếu không sẽ gây phản tác dụng.
Lợi ích của màng phủ nông nghiệp trong canh tác cây trồng
– Màng phủ nông nghiệp giúp hạn chế tình trạng thoát hơi nước trong đất. Từ đó giúp cây trồng duy trì được độ ẩm đất đều và thường xuyên hơn.
– Ngăn nước mưa xối đất gây xói mòn, hạn chế tình trạng rửa trôi phân bón, giúp tăng độ tơi xốp của đất.
– Làm tăng nhiệt độ đất, nhất là trong vụ đông với nhiệt độ thấp. Điều này giúp cho cây trồng sinh trưởng ổn định, cho năng suất cao hơn.
– Giúp hạn chế cỏ dại, giảm bớt công làm cỏ, giảm chi phí sử dụng thuốc trừ cỏ. Đồng nghĩa với việc giảm thiểu tác hại của thuốc trừ cỏ đối với đất canh tác, với môi trường và sự sinh trưởng của cây trồng… Hạn chế tối đa tình trạng dư thừa thuốc BVTV trong nông sản.
– Che phủ nilong còn giúp hạn chế sự hóa kén của một số loại sâu trong đất, hạn chế nấm bệnh từ đất lây nhiễm lên thân lá do tác động của mưa gió.
Nguy cơ từ màng phủ nông nghiệp mang lại
Màng phủ nông nghiệp là một dạng polyetylen – một loại nhựa dẻo và mỏng nên có khả năng giữ nhiệt tốt. Điều này cũng gây lo ngại ở những ruộng canh tác cây trồng cạn có che phủ nilon. Nếu gặp mưa lớn sau đó trời trở nắng to ngay sẽ làm cho lượng nước trong đất bốc hơi mạnh nhưng khó thoát ra bên ngoài màng phủ. Khi ẩm độ đất quá cao, gặp điều kiện nhiệt độ cao sẽ làm cho cây trồng cạn dễ bị thối rễ và chết. Nhất là ở những ruộng đất thịt nặng, hệ thống tiêu nước kém.
Bên cạnh đó, nhiệt độ và độ ẩm cao bên dưới màng phủ sẽ tạo môi trường cho nấm hại sinh trưởng và phát triển mạnh mẽ. Điều này làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh cho cây trồng.
Đối với gieo mạ vụ Xuân, bà con cần chú ý đến nhiệt độ trong ngày để điều chỉnh màng phủ cho phù hợp, tránh hiện tượng cây mạ bị thối gốc. Những ngày có nhiệt độ không khí bên ngoài cao trên 220C cần mở nilon từng phần hoặc mở hai đầu luống mạ. Nếu nhiệt độ không khí bên ngoài cao trên 250C cần mở nilon toàn bộ trên bề mặt luống.
Màng phủ nilon sau khi hết khả năng sử dụng cần được xử lý đúng quy định, không chôn dưới đất bởi chúng rất khó phân hủy, ảnh hưởng đến môi trường đất. Trồng cây trên nền đất chứa nilon cũng không cho hiệu quả cao.
Trên đây là ưu điểm và nguy cơ của việc sử dụng màng phủ nông nghiệp. Bà con cần vận dụng hợp lý để đem lại hiệu quả kinh tế cao.