Một số loại sâu hại phổ biến trên thanh long

Cây thanh long có tên khoa học là Hylocereus undatus Haw. Cây thuộc họ Cactaceae có nguồn gốc từ vùng khí hậu khô nhiệt đới Trung Mỹ. Với đặc tính chịu hạn, thanh long được trồng phổ biến ở Việt Nam với diện tích khá lớn tại những vùng nóng có cường độ ánh sáng mạnh. Trước đây, thanh long chủ yếu được trồng ở các tỉnh phía nam song thời gian gần đây, mô hình trồng thanh long đã được nhân rộng ra cả nước. Sản lượng xuất khẩu thanh long của nước ta cũng ngày một tăng lên.

Để thanh long đạt năng suất và phẩm chất tốt, bà con cần chú ý đến một số loại sâu hại sau:

Kiến

Kiến gây hại thanh long

 Kiến gây hại cây thanh long phổ biến nhất là kiến đen (Paratrechina sp.) và kiến lửa (Solenopsis sp.). Chúng gây hại phổ biến nhất vào mùa hè nắng nóng và giai đoạn chuyển mùa. Kiến cắn đục phá gốc cây làm hư hom giống, cành non, nụ hoa, tai trái, trái non, trái chín. Điều này gây ảnh hưởng không chỉ đến năng suất mùa vụ mà còn ảnh hưởng đến chất lượng thương phẩm.

– Biện pháp phòng trừ:

 +  Vệ sinh vườn, dọn sạch các cành cây khô trong vườn để không cho kiến có nơi ẩn nấp.

Sử dụng bẫy bã sinh học để nhử và tiêu diệt bớt kiến đen trong vườn. Thời điểm thích hợp là vào đầu và cuối mùa mưa.

 + Ở những vườn bị nhiễm nặng khi cây có nụ hoa, bà con có thể sử dụng thuốc hóa học chứa hoạt chất Clothianidin, Thiamethoxam, Abamectin, Azadirachtin… để phun trừ. Phun thuốc phải bảo đảm thời gian cách ly an toàn và không sử dụng thuốc hóa học một tuần trước khi thu hoạch để đảm bảo an toàn.

Sên trần, ốc sên, ốc ma

Sên trần, ốc sên, ốc ma cũng là loại sâu bệnh phổ biến ở thanh long. Chúng sinh trưởng, phát triển và gây hại mạnh trong mùa mưa. Ban ngày chúng ẩn nấp nơi ẩm, mát, dưới lớp rơm, lá tủ gốc. Ban đêm chúng hoạt đọng và ăn phá phần non của cành, hoa, quả thanh long. Sau gây hại, chúng để lại những vết trầy xước làm mẫu mã quả thanh long xấu đi. Từ các vết xước này, các loài nấm hại dễ dàng tấn công, gây nên bệnh thán thư, thối thân, quả.

 – Biện pháp phòng trừ:

 +Vệ sinh vườn tược, phát quang bụi rậm và cỏ dại.

+ Thực hiện bón phân chuồng hoai mục. Kết hợp bón lân và vôi để hạn chế loài sên.

 +Tẩm thuốc diệt ốc chứa hoạt chất Metaldehde 4%, 6%,12%… vào hoa thanh long sau khi rút râu (hoặc quả thanh lỏng bị hỏng). Ngoài ra bà con có thể cắt mỏng thanh long hỏng, trộn cùng thuốc với cám ướt hoặc bột ngô để rải tại những nơi ốc trú ẩn. Nên rải vào buổi chiều mát hoặc gần tối bởi đây là giờ hoạt động của chúng.

Ốc sên hại thanh long

Bọ trĩ

 Bọ trĩ gây hại và xuất hiện quanh năm, từ giai đoạn nụ cho đến khi héo râu. Bọ trĩ gây nên hiện tượng “mắc võng” trên quả non và quả già, làm xấu mẫu mã, giảm giá trị thương phẩm của quả. Đặc biệt, chúng thường gây hại ở những vườn có nhiều cỏ dại vì cỏ là cầu nối để bọ trĩ di chuyển sang gây hại thanh long.

 – Biện pháp phòng trừ:

 + Vệ sinh vườn sạch sẽ, không để cỏ dại phát triển.

 + Cần thường xuyên thăm vườn nhằm kiểm tra phát hiện sớm bọ trĩ. Nếu vườn xuất hiện bọ trĩ, bà con cần xử lý bằng các loại thuốc chứa hoạt chất như: Emamectin benzoate,  SpinetoramImidacloprid + Pyridaben… Đặc biệt, bà con cần chú ý giai đoạn búp có kích thước từ 3-10 cm. Đây là giai đoạn bọ trĩ hay di trú từ cỏ dại sang gây hại thanh long nhất.