Một số bệnh hại phổ biến trên cây trồng vào mùa mưa

Những cơn mưa đầu mùa thường xuất hiện xen những ngày nắng nóng. Điều này tạo nên thời tiết oi nồng, độ ẩm không khí và trong đất tăng cao. Đây là điều kiện lý tưởng để các bào tử nấm, hạch nấm, sợi nấm của các loài Phytopthora, Fusarium, Rhizoctonia, Pytium… sinh trưởng và phát triển mạnh mẽ.

Các loài nấm bệnh này gây nguy hại lớn cho cây trồng, gây nên các bệnh như: thán thư, thối rễ, nấm hồng, thối gốc chảy nhựa, bồ hóng…

Bệnh thán thư

Bệnh thán thư do nấm Colletorichum spp. gây ra. Bệnh biểu hiện trên cả lá, hoa, quả và vẫn tiếp tục gây hại quả ngay cả sau thu hoạch. Vết bệnh là các đốm nhỏ hình góc cạnh không đều, màu đen và xuất hiện với mật độ dày đặc. Các đốm bệnh liên kết lại với nhau thành đám màu nâu đen rồi dần dần lớn lên khiến lá rụng, hoa không nở và không thụ phấn được, trái non bị rụng. Ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất và chất lượng mùa vụ cây trồng.

Bệnh thán thư biểu hiện trên cây xoài

Bệnh thối rễ

Bệnh thối rễ hay còn gọi là bệnh lở cổ rễ do nhiều loại nấm gây hại như nấm Fusarium solani f.s. phasceli, Rhizoctonia solani Kuhn và Thielaviopsis,

Bệnh thối rễ biểu hiện đầu tiên là ở phần gốc thân sát mặt đất xuất hiện chấm nhỏ màu đen, sau đó lan nhanh ra xung quanh cổ rễ làm cho thân lá cây bị héo rũ. Sau khoảng 1 tuần rễ bị thối, cây đổ và chết.

Bệnh có thể lây nhiễm cả cây con và cây lớn. Nấm tấn công vào gốc thân làm cho cây bị thối chuyển màu nâu đen, lá khô héo. Nếu cây đang trong giai đoạn ra hoa hoặc đậu quả thì bệnh cũng có thể tấn công trái, làm lở trái.

Nấm bệnh tấn công dẫn đến cây bị bệnh thối rễ sinh trưởng kém, thiếu sức sống, thấp lùn.

Bệnh nấm hồng

Bệnh nấm hồng do nấm Corticium salmonicolor gây ra.

Bệnh gây hại trên thân, cành, nhánh cây. Đầu tiên, trên mặt vỏ thân cành có những vết nấm màu trắng. Sau đó vết bệnh lan ra tạo thành những mảng màu hồng. Đôi khi không thấy mảng màu hồng mà chỉ thấy các gai nấm màu hồng phát triển từ các vết ở vỏ hay nhánh cây.

Nấm gây hại nặng sẽ làm cành nhánh khô và chết.

Biểu hiện bệnh nấm hồng trên thân cây

Bệnh thối gốc chảy nhựa

Bệnh thối gốc chảy nhựa do nấm Phytophthora palmivora gây ra.

Vết bệnh ban đầu là những vết ướt trên vỏ thân gần mặt đất. Nơi bệnh bị biến màu, thối và thường tiết ra nhựa cây đông đặc bên ngoài với màu đỏ nâu. Phần gỗ thân bên trong vết bệnh cũng bị hóa nâu với những sọc ở rìa ngoài. Khi vết bệnh mở rộng và bao quanh thân, một số cành phía trên cằn cỗi, lá héo khô. Sau đó, hiện tượng chết cành sẽ xảy ra.

Bệnh bồ hóng

Bệnh bồ hóng do nấm Capnodium Mangiferae gây ra.

Triệu chứng bệnh bồ hóng bao gồm các mảng đen trên lá, quả thậm chí là toàn bộ các bộ phận của cây.

Nấm tạo thành các mảng đốm đen bám trên các bộ phận của cây và chỉ bám trên bề mặt. Các bào tử nấm xuất hiện nhiều ở nơi rệp sinh sống nhưng chúng sẽ không hút chích hay gây hại trực tiếp cho cây.

Các bào tử nấm có thể bị khô lại và tự bong tróc ra khi trời khô nóng tuy nhiên chúng cũng có những ảnh hưởng nhất định đối với cây trồng.

Bệnh bồ hóng làm bao phủ các bộ phận của cây trồng, đặc biệt là lá cây sẽ ảnh hưởng đến quá trình quang hợp của cây. Cây vì thế mà trở nên sinh trưởng chậm, kém phát triển.

Để phòng trừ hiệu quả nấm bệnh trong mùa mưa, bà con cần thực hiện rải vôi toàn vườn. Lên liếp cao ráo, tạo rãnh thoát nước tốt cho vườn. Thực hiện cắt tỉa cành sát đất để giảm ẩm độ không khí và độ ẩm đất trong vườn, tránh các giọt mưa bắn lên làm lây lan nguồn bệnh. Đồng thời cần thường xuyên thăm vườn để sớm phát hiện bệnh và có biện pháp xử lý kịp thời.