Kỹ thuật trồng sắn cho năng suất cao

Cây sắn, hay còn được gọi là khoai mỳ là loại cây lương thực quen thuộc của nông dân Việt Nam, nhất là với đồng bào vùng cao. Cây sắn có khả năng thích nghi với điều kiện khắc nghiệt như: đất nghèo dinh dưỡng, đất chua, đất khô hạn,… Do đó, nếu biết nắm vững kỹ thuật trồng sẽ cho năng suất, sản lượng cao, đem lại giá trị kinh tế lớn.

Đất trồng lý tưởng cho cây sắn

Cây sắn có thể thích nghi với nhiều loại đất như đất rừng, đất khô hạn, đất chua phèn… Song thích hợp nhất với đất giàu dinh dưỡng, có độ pH từ 5,8-6,5. Sắn ưa đất tơi xốp thông thoáng và có khả năng thoát nước tốt, không bị ngập úng vào mùa mưa.

Do vậy, đất trồng sắn cần phải được chuẩn bị kỹ lưỡng, tuân thủ đầy đủ các bước:

Với nền đất thoải, thấp, bà con thu gom rễ cây và tàn dư thực vật trên nền đất. Tiến hành cày- bừa (1-2 lần) hong khô ải đất và san lấp mặt bằng trước lúc trồng từ 1-2 tháng.

Với vùng độ dốc cao như đất đồi, núi, bà con cần dọn và đốt tàn dư thực vật không cần cày bừa mà cuốc hốc trồng trực tiếp.

Đối với đất trồng tựa các chân ruộng luân canh lúa nước, khi nước rút và thu hoạch lúa xong, cần làm cỏ, san đất sớm để gieo giống nhằm tận dụng độ ẩm đất. nếu ruộng bị ngập úng thì phải làm rãnh thoát nước.

Lên luống trồng sắn

Thời vụ gieo trồng sắn

Canh tác đúng mùa vụ là nguyên tắc tối thiểu để đạt năng suất cũng như chất lượng nông sản.

Thời vụ chính để trồng sắn là từ giữa tháng 12 năm trước đến giữa tháng 3 năm sau, thay đổi tuỳ theo điều kiện cụ thể của mỗi địa phương. Thời gian thu hoạch có thể bắt đầu sau khi trồng được 8-10 tháng.

Ngoài ra, bà con cũng có thể trồng sắn vào thời điểm các ngày nắng trong năm nếu chủ động được nước tưới và đất trồng. Chú ý, nếu trồng sắn vào đầu mùa mưa, bà con nên tranh thủ trồng sớm khi đất đủ ẩm độ, không nên trồng vào các thời điểm có mưa nhiều hoặc khô hạn làm giảm khả năng mọc mầm của hom sắn.

Lựa chọn giống sắn

Mỗi loại sắn lại thích hợp với một nền đất khác nhau nên bà con cần căn cứ vào gốc đất để chọn giống.

 Đối với vùng thâm canh nên dùng giống KM94, vùng đất cát, khô, nghèo dinh dưỡng nên dùng giống KM60 và KM98-7.

Cây dùng làm giống phải khỏe, đạt 8 – 10 tháng tuổi. Giống phải không nhiễm sâu bệnh, nhặt mắt, không buông lóng, cần loại trừ các giống khô (không có nhựa mủ) và trầy-xước trong quá trình vận tải. Thời lượng bảo quản cây giống không vượt 60 ngày (tính từ khi thu hoạch), svà phải được bảo quản ở những nơi khô ráo, râm mát.

Khi cưa hom giống, bà con chỉ lấy phần giữa thân, bỏ phần gốc (quá già) và phần ngọn (quá non), không để dập nát, chiều dài hom từ 12-15cm, đảm bảo ít nhất có 4-5 mắt mầm, chấm 2 hai đầu hom vào tro hoặc nước vôi trong để hạn chế nấm bệnh. Bà con có thể nhúng giống sắn vào các hỗn hợp thuốc diệt nấm và côn trùng thông dụng hoặc rải thuốc trừ côn trùng theo hàng và hốc trước khi đặt hom sắn để ngăn ngừa nấm bệnh.

Phương pháp trồng

Mỗi một địa hình, bà con cần có cách gieo giống phù hợp.

với nền đất bằng phẳng, bà con trồng hom nằm ngang. Với những vùng đất có mưa nhiều, thoát nước kém thì nên kéo luống hoặc lên líp để trồng với các phương pháp hom xiên hoặc hom đứng.

Ngoài ra, nếu trồng sắn vào vụ cuối mùa mưa, độ ẩm đất thấp thì nên trồng hom đứng hoặc xiên.

Tùy theo từng loại đất để bố trí khoảng cách và mật độ giống sao cho phù hợp. Đối với vùng đất tốt trồng với khoảng cách 1,0m x 1,0m, tương đương với 10.000 cây/ha; đất trung bình và đất nghèo dinh dưỡng trồng với khoảng cách 1m x 0,9m hoặc 0,9m x 0,9m tương đương với 11.111 đến 12.346 cây/ha.

Khi trồng, chú ý tránh để hom tiếp xúc với phân bón lót để hạn chế tình trạng hom thối do phân.           

Không nên lấp đất quá dày hoặc  để  lộ hom lên trên mặt đất sẽ khiến cây nảy mầm kém.

Sau khi giống mọc 15-20 ngày, bà con cần kiểm tra đồng ruộng và trồng dặm vào những chỗ trống.

Chăm bón, tưới tiêu

Bón phân: Lượng phân bón lý tưởng tính cho 1ha là: Phân chuồng 8 tấn (hoặc 1,5 tấn phân hữu cơ vi sinh) +100kg đạm nguyên chất (N) + 150kg lân nguyên chất (P2O5) + 120 kg Kali nguyên chất (K2O).

– Cách bón như sau:

+ Bón lót: 8 tấn phân chuồng (hoặc 1,5 tấn phân hữu cơ vi sinh) + 150 kg P2O5  + 30kg N + 30kg K2O.

Bón phân thúc: Bón phân thúc 2 lần

 Lần 1: Sau trồng 30-40 ngày, bón 40kg N + 30kg K2O, bón cách gốc 15cm. Bón phân kết hợp xới xáo và diệt cỏ.

Lần 2: Sau trồng 80 – 90 ngày,  bón 30kg N + 60kg K2O, bón cách gốc20-25cm kết hợp làm cỏ, vun cao gốc.

Tưới tiêu nước:

Sắn không chịu được úng, đặc biệt là khi đã hình thành củ nên ở giai đoạn cây con và giai đoạn rễ củ phát triển cần tưới đủ ẩm. Bà con nên áp dụng phương pháp tưới thấm là tốt nhất vì tránh được tối đa tình trạng dư thừa, ngập úng nước.

Tưới tiêu nước cần lưu ý các giai đoạn:

– Sau khi trồng gặp mưa lớn cần phải tiêu nước, gặp nắng hạn thì cần phải tưới nước để cây mọc đều.

– Sau trồng 30-40 ngày tưới thấm theo rãnh kết hợp bón phân, chăm sóc lần 1.

– Sau trồng 50-60 ngày, tưới thấm theo rãnh kết hợp xới xáo, diệt cỏ.

– Sau trồng 80 – 90 ngày tưới nước kết hợp bón phân lần 2, vun cao gốc.

Trên đây là kỹ thuật trồng sắn cơ bản để đạt năng suất và chất lượng đảm bảo. Bên cạnh đó, bà con cần thường xuyên thăm đồng, dọn cỏ dại và kiểm soát sâu bệnh kịp thời.