Thiên lý là loại cây thân dây leo, lá non có thể dùng nấu canh cho vị ngọt thanh, hoa có mùi thơm đặc trưng có thể nấu canh hoặc xào rất ngon.
Trước đây, bà con thường làm giàn thiên lý vừa làm giàn che bóng mát vừa lấy rau ăn. Nhưng nay, với giá trị dinh dưỡng cao, hoa thiên lý trở thành loại hàng hóa ưa chuộng, có giá trị kinh tế lớn, được bà con nông dân canh tác trên diện rộng.
Để thiên lý cho năng suất hoa lớn, khi canh tác, bà con cần chú ý những điểm sau.
Đặc tính của thiên lý
Thiên lý là loại cây thân dây ưa sáng, ưa ẩm và cần được tưới nhiều nước song lại không chịu được ngập úng vào điều kiện mưa nhiều. Loại cây này cũng không chịu được rét, nhiệt độ sinh trưởng lý tưởng là 20-35°C nên thời điểm thích hợp nhất để trồng cây thiên lý là vào vụ mùa xuân, khi tiết trời ấm áp.
Bà con cần chọn nơi thoáng gió, có nhiều ánh sáng để canh để khi dây phát triển thì có thể làm giàn cho cây leo bò. Nếu trồng mô hình nhỏ lẻ hoặc để phục vụ gia đình là chính thì có thể chọn những nơi gần hàng rào hoặc bờ tường để trồng.
Hoa thiên lý phù hợp trồng trên các loại đất thịt pha cát, loại đất có độ tơi xốp, khả năng hút ẩm cao, tuy nhiên phải chú ý làm giàn, luống không để đất bị ngập nước khiến dây thiên lý thối rễ, Vào mùa mưa thì cần chú ý vun luống cho cây cao 1/2m để tránh bị ngập úng.
Các loại sâu hại phổ biến trên cây thiên lý
Ngoài việc nắm rõ đặc tính sinh trưởng của thiên lý để canh tác cho phù hợp, bà con cần am hiểu vể các loại sâu bệnh hại phổ biến trên giống cây này để có biện pháp phòng trừ phù hợp. Có nhiều sâu bệnh có thể tấn công loài cây này như bọ trĩ, nhện đỏ, rệp, sâu đục , sâu cuốn lá… Trong đó, rệp, nấm đen là loài gây hại phổ biến, phát triển nhất vào thời tiết nắng nóng như hiện nay .
Phòng trừ rệp gây hại trên cây thiên lý
Loài rệp chích hút nhựa cây để sinh tồn, chúng có thể tấn công trên cả thân, lá, hoa thiên lý khiến cây suy yếu, hoa biến dạng. Bà con cần kiểm tra hàng ngày, nếu lượng rệp ít có thể bắt bằng tay, nếu nhiều phải dùng chổi lông quét rệp vào tờ bìa cứng rồi đốt cháy rệp. Khi có nụ phải kiểm tra xem rệp có chui vào kẽ chùm nụ hay không, nếu có thì dùng tăm nhọn đẩy rệp ra xử lý.
Phòng trừ nấm đen gây hại trên cây thiên lý
Loài nấm này phát triển trên lá và dây. Nó làm cho cây chảy nhựa và suy yếu. Bà con có thể phòng nấm đen bằng cách không để lá dày nhiều lớp, hái bớt lá non để ăn, lá già để làm phân. Nếu thấy nấm đen, hái toàn bộ lá có nấm rắc vôi bột và đem chôn, pha nước vôi quét vào dây có nấm.
Cây thiên lý trồng sau 3 tháng có thể cho thu hoạch lứa hoa đẩu tiên, mỗi vụ trồng có thể cho thu hoạch từ 4 – 6 năm mới phải trồng lại. Tuy nhiên, mỗi năm bà con cần phải cắt bỏ toàn bộ những cành lá và nhánh phụ, chỉ giữ lại hệ thống thân cây và nhánh chính, sau đó vun xới gốc và bón thêm phân chuồng ủ hoại hoặc phân NPK để cây tiếp tục sinh trưởng và tiếp tục phát triển qua các vụ mới.