Kỹ thuật gieo trồng dưa chuột vụ xuân hè

Dưa chuột là loại rau củ ăn quả, thuộc họ bầu bí, thân dây leo. Từ tháng 1 – tháng 4 là thời gian gieo trồng dưa chuột vụ xuân hè. Nắm bắt kỹ thuật gieo trồng tốt sẽ cho năng suất và sản lượng cao, đem lại giá trị kinh tế tối đa cho bà con.

Dưa chuột là cây ưa sáng, ưa ẩm

Điều kiện ngoại cảnh để gieo trồng dưa chuột

Nhiệt độ: Nhiệt độ lý tưởng để cây sinh trưởng và phát triển tốt là 20- 30oC.

Độ ẩm: Dưa chuột là giống cây cần có độ ẩm đất lớn, khả năng chịu hạn của dưa chuột rất yếu, khi thiếu nước cây sinh trưởng kém và tích lũy chất cucurbitaxin-loại chất khiến dưa chuột có vị đắng.

Tuy nhiên, nếu ẩm độ không khí cao lại tạo điều kiện cho bệnh đốm phấn phát triển mạnh nên bà con cần lưu ý thường xuyên thăm đồng trong tiết trời nồm ẩm.

Chuẩn bị đất gieo trồng dưa chuột

Đầu tiên, bà con cần chọn vùng ruộng đất “sạch” để canh tác dưa chuột, khu canh tác phải cách xa các khu công nghiệp, bệnh viện, nhà máy… bởi những khu vực này thường có nguồn nước thải ô nhiễm mà dưa chuột là loại cây có bộ rễ yếu, dễ nhiễm bệnh. Đồng thời cũng không nên canh tác đất vụ trước đã gieo trồng họ bầu bí (dưa leo, dưa hấu, bí đỏ…)

Cũng bởi có hệ thống rễ yếu, dễ bị vàng khô nên cây dưa chuột thích hợp trồng trên vùng đất thịt nhẹ, cát pha, nhiều dinh dưỡng, có khả năng tưới tiêu thuận lợi và được luân canh với các cây trồng khác họ, pH đất đạt từ 6,5-7,5, đất không quá phèn, quá mặn, quá nếu độ pH đất dưới 5 thì phải bón thêm vôi.

Bà con cần làm đất kỹ, tơi xốp, sạch cỏ dại sau đó tiến hành lên luống. Luống rộng từ 1,1 – 1,2m; cao 25 – 30cm; chiều luống lên song song với hướng gió và theo hướng dốc của ruộng để đảm bảo thoát nước tốt, tránh để cây bị ngập úng. Luống trồng có thể phủ bạt nylon để giữ ẩm và hạn chế cỏ dại.

Để đất tơi xốp hơn, bà con có thể kết hợp bón phân hữu cơ vi sinh khi làm đất với lượng 1,5 – 2 tấn/ha.

Nước tưới cho dưa chuột

Như đã nói trên, dưa chuột là loại cây ưa đất ẩm, do đó bà con cần thường xuyên tưới cho cây. Nếu độ ẩm đất thấp hơn 70%, bà con cần tiến hành tưới cho dưa chuột để đảm bảo đất có độ ẩm 85-90% cho dưa chuột sinh trưởng và phát triển tốt.

Lượng nước tưới, số lần tưới cần căn cứ vào độ ẩm đất trước lúc tưới để điều chỉnh cho phù hợp.

Làm giàn cho dưa chuột

Làm giàn cho dưa chuột khi dưa sinh trưởng được 2-3 tuần

Khi dưa chuột đã sinh trưởng được khoảng 2 – 3 tuần (kể từ thời điểm trồng), cây dưa leo bắt đầu phát triển thân lá và các tua cuốn, lúc này bà con bắt đầu tiến hành làm giàn cho cây.

Bà con dùng cây dài khoảng 2,5m, cắm hình chữ A, có thanh nối đỉnh và các thanh ngang, sau đó phủ lưới nylon có mắt lưới rộng 20cm lên dàn để cho dưa leo. Chú ý thường xuyên buộc thân cây dưa vào dàn để dây và trái sau này không bị tuột xuống. Dùng dây nylon căng ngang và dọc theo dàn, nhiều tầng để tua cuốn dây dưa có nơi bám chắc chắn.

Bón phân cho dưa chuột

Sau khi cây bén rễ (3 – 5ngày sau trồng), bà con có thể tưới nhử bằng đạm ure, tưới xa gốc cây và không để rớt nước lên lá.

Sau trồng 10-15 ngày, khi cây có 3 – 4 lá thật, bà con tiến hành bón thúc lần 1, lượng bón 3 – 3,5 kg ure/sào, chú ý bón xa gốc cây

Khi cây có 5-6 lá thật và bắt đầu có tua cuốn tiến hành bốn thúc lần 2: Lượng bón là 4,5 kg ure + 3 kg kali, bón giữa khoảng các cây kết hợp tiến hành vun luống và làm thông rãnh tạo luống hoàn chỉnh.

Khi cây dưa leo hết dàn cần tiến hành bấm ngọn để cây ra nhánh (khoảng 24 – 25 lá). Trước lúc bấm ngọn 2 – 3 ngày cần bón thúc lần 3; lượng bón là 4,5 kg đạm ure + 3,5 kg kali + 5 kg lân.

Phòng trị bệnh cho dưa chuột

Dưa chuột là loại cây dễ gặp phải bệnh mốc sương, bệnh lở cổ rễ, bệnh héo xanh, nhện đỏ, rệp, bọ rầy dưa,… do đó bà con phải thường xuyên thăm đồng để phát hiện bệnh kịp thời.

Tùy theo mức độ bị sâu bệnh hại tấn công mà sử dụng các chế phẩm sinh học để phòng trừ hoặc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục được phép sử dụng để diệt trừ, sử dụng phải đúng nguyên tắc , đảm bảo đúng thời gian cách ly.

Trong suốt quá trình gieo trồng, bà con chú ý cần đảm bảo nước và dinh dưỡng cho cây, bởi cây thiếu nước và dinh dưỡng thì khả năng đậu quả thấp, chất lượng quả kém, quả thường bị đắng và cong, xấu cả hình thức mà giảm cả về năng suất.