Bầu là cây trồng khá phổ biến ở Việt Nam, các gia đình nông dân ở miền Bắc thường có một giàn trên ngõ hoặc bờ ao. Quả bầu ăn ngon, mát, có thể chế biến làm nhiều món khác nhau.
Ngày nay, trồng bầu quy mô lớn để bán hàng cho chợ hoặc siêu thị không phải hiếm, trồng bầu để cho năng suất cao cần chú ý các điểm sau:
Thời vụ
- Có thể trồng quanh năm.
- Vụ mùa nắng cây ít bệnh và cho năng suất cao hơn mùa mưa.
Mật độ, khoảng cách
- Liếp rộng 0,7m, tim liếp này cách tim liếp kia 1m, liếp cao 0,3m (tuỳ theo mùa vụ và mực thuỷ cấp). Trồng 1 hàng, cây cách cây 0,8m.
- Lượng hạt giống cần cho 1 ha: 300 – 400g.
Cách trồng
Đào hốc kích thước 50x50x30cm, hốc cách nhau 1m, bón nhiều phân chuồng hay phân cỏ hoai mục và khoảng 100g phân hỗn hợp NPK cho mỗi hốc trước khi trồng.
Chăm sóc
Tưới nước, bón thúc
Bầu cần nhiều nước, do đó phải tưới thường xuyên 1-2 lần/ngày cho đủ ẩm. Lượng nước tưới cần gia tăng khi bầu mang trái. Bón thúc cho bầu vào 2 giai đoạn cần thiết như sau:
Giai đoạn tăng trưởng
Kể từ khi trồng đến khi bầu lên giàn (60 ngày sau khi trồng). Bón thúc thường xuyên mỗi tuần một lần để chuẩn bị cơ sở vật chất cho cây ra hoa kết trái.
Giai đoạn ra hoa, đậu trái
- Bón thúc nuôi trái 7-10 ngày một lần với lượng phân gia tăng dần để trái to và nhiều trái.
- Trong suốt thời gian canh tác (130-140 ngày) mỗi hốc bón từ 1-1,5kg phân hỗn hợp NPK.
Lấp dây, làm giàn
Làm giàn cho bầu khi bầu mọc dài được 1m bắt đầu khoanh dây vòng gốc, lấy đất chặn lên ngay đốt, cách 1-2 đốt lại chặn đất để tranh thủ cho bầu ra rễ bất định, tăng khả năng thu hút dinh dưỡng nuôi trái sau này. Trồng được 2 tháng mới nương dây cho bầu leo giàn, cần để dây ở thế tự nhiên, không lật úp hay xoắn dây. Nên làm giàn bằng để bầu đủ diện tích bò, nếu dàn không thích hợp hay quá nhỏ không đủ để bầu bò, bầu cho ít trái hay thay đổi dạng trái và kích thước trái, không đạt tiêu chuẩn trái thương phẩm của giống. Bầu vừa lên giàn là trổ hoa đậu trái, 75-90 ngày sau khi trồng bầu bắt đầu cho thu hoạch.
Tỉa nhánh, bấm ngọn
Bầu ra nhiều dây nhánh và mang trái ở dây nhánh. Các dây nhánh ở đoạn thân từ gốc lên đến giàn nên tỉa bỏ để gốc được thoáng. Khi bầu lên giàn thì không tỉa nữa để dây nhánh cho trái. Lấy được trái trên nhánh nào thì bấm ngọn để trái phát triển lớn và bầu tiếp tục cho trái ở dây nhánh khác.
Phòng trừ sâu bệnh
Sâu hại bầu gồm ruồi đục lòn lá (Lyriomyza spp.), rầy mềm (Aphis sp.), bọ rầy dưa (Aulacophora similis). Phun thuốc khi thấy các côn trùng này xuất hiện.
Bệnh gây hại cho bầu thường gặp như bệnh héo cây con do nấm Rhizoctonia solani, bệnh khảm do virus, bệnh than thư do nấm Colletotrichum lagenarium trong mùa mưa và bệnh phấn trắng do nấm Sphaerotheca fuliginea trong mùa khô. Trong thực tế, do diện tích trồng ít, giá trị kinh tế của bầu không cao nên nông dân thường không phun ngừa thuốc trị bệnh, chỉ nhổ bỏ cây bệnh hay ngắt bỏ lá bệnh nếu có.
Thu hoạch
Trái bầu phát triển 10-12 ngày sau khi trổ hoa là có thể thu hoạch để ăn. Cắt trái khi vỏ còn mềm, trái thon dài, hạt bên trong vừa tượng là ngon. Không nên để trái già, vỏ hạt bên trong đã cứng, ăn kém ngon và cây mau tàn. Nếu chăm sóc tốt giàn bầu 100 gốc cho thu trái 2-3 ngày/lần; lúc rộ thu hoạch mỗi ngày, thu liên tục 60 ngày bầu mới tàn. Mỗi gốc trung bình cho từ 10 -15 trái.