Nguồn gốc của Ốc bươu vàng
Ốc bươu vàng (danh pháp khoa học: Pomacea canaliculata), là loại ốc thuộc họ Ampullariidae, lớp Chân bụng (Gastropoda), ngành Thân mềm (Mollusca), có nguồn gốc Trung và Nam Mỹ. Ốc được du nhập vào Việt Nam trong những năm 1985-1988 để chăn nuôi làm thức ăn, nhưng đã thoát ra tự nhiên và trở thành một trong những sinh vật gây hại nghiêm trọng nhất cho nền nông nghiệp Việt Nam.
Ốc bươu vàng vừa thở bằng mang, vừa thở bằng phổi nên ốc có thể sống trên cạn trong điều kiện ẩm ướt vài ngày mà không chết.
Ốc bươu vàng ăn nhiều thực vật như: Bèo tấm, bèo hoa dâu, bèo cái, bèo tây, rau xanh các loại…chúng ăn cả lá sắn, lá khoai, sơ mít, cùi dưa hấu…
Đặc điểm và cách gây hại
Ốc trưởng thành cỡ lớn, dạng mập tròn, gồm đầu, thân và chân. Đầu có hai đôi xúc tu (một đôi dài và một đôi ngắn). Thân nằm trên chân, là một khối xoắn ẩn kín trong vỏ. Chân rộng, hình đĩa, màu trắng kem nằm ở phía bụng. Mặt lưng của chân có nắp vỏ che đậy. Đầu và chân thường thò ra ngoài vỏ khi di chuyển. Toàn bộ cơ thể ốc nằm trong lớp vỏ.
Con đực có vảy miệng hơi nhô gợn sóng, con cái có vảy miệng bằng phẳng hơi lõm xuống. Ốc bươu vàng thường ẩn náu dưới bùn, bờ ao, bờ mương, hồ khó phát hiện. Đêm xuống, chúng lên mặt nước cắn ngang thân cây lúa, ăn trụi thành từng đám, khiến nhiều diện tích lúa bị chết hoàn toàn.
Ốc bươu vàng chủ yếu phá hại lúa và hoa màu trồng dưới nước, đặc biệt chúng thích ăn lá bánh tẻ và lá lúa non. Ốc bươu vàng không chỉ ăn tạp mà còn ăn liên tục, ốc hoạt động mạnh vào sáng sớm và chiều tối, trong một ngày đêm ốc có thể ăn một lượng thức ăn bằng 80 -120% trọng lượng của cơ thể. Nghĩa là: 1kg ốc một ngày ăn từ 0,8 – 1,2kg thức ăn. Vì vậy ốc có thể ăn trụi ruộng lúa mới cấy đang hồi xanh hoặc ruộng gieo thẳng thời kỳ 3 – 5 lá.
Ốc bươu vàng có khả năng sinh sản rất nhanh, ốc đẻ trứng thành từng ổ, mỗi ổ khoảng 100 – 600 trứng. Một ốc cái đẻ 11- 12 ổ trên một chu kỳ sinh sản.
Cách phòng trị ốc bươu vàng
Thiên địch ăn trứng ốc và ốc: Rái cá, rắn, ếch, cóc, nhái, ba ba, các loài cá, chim, cò, gà, vịt, ngan, ngỗng…nếu có nhiều loài thiên địch này thì làm giảm sự phát triển của ốc.
Các biện pháp canh tác
- Sau khi thu hoạch cày ải phơi đất, rắc vôi bột với lượng 50 – 70kg/1.000m2 để tiêu diệt ốc.
- Trước khi gieo cấy, cần vệ sinh đồng ruộng, dọn sạch cỏ dại, thu gom ốc để tiêu diệt. Khi đưa nước vào ruộng phải sử dụng lưới chắn 3 lớp để ngăn ốc xâm nhập
- Thả vịt vào ruộng để vịt ăn ốc và trứng ốc trước khi gieo cấy.
- Làm rãnh sâu 20cm để thoát nước xung quanh và trong ruộng, rút nước dần ốc sẽ tập trung vào rãnh nên dễ dàng bắt bằng tay hay phun thuốc diệt ốc.
- Cắm cọc ở các vùng trũng nhử ốc lên đẻ trứng để tiêu diệt trứng.
- Dùng các loại thức ăn ốc ưa thích như xơ mít, dây – lá khoai lang, lá cây dâm bụt, rau diếp, rau xà lách, lá bắp cải… để nhử ốc.
- Thường xuyên kiểm tra ruộng nhất là thời kỳ lúa mới cấy, liên tục diệt ốc bằng cách bắt ốc và trứng ốc.