Ngoài nguồn dinh dưỡng chính từ các chất đa lượng: phân lân, kali và đạm thì nguyên tố trung lượng đóng vai trò không nhỏ trong việc giúp cây trồng cứng khỏe, đề kháng tốt. Các chất trung lượng cần thiết cho cây trồng phát triển tốt đó là: Canxi (Ca); Lưu huỳnh (S); Magie (mg). Thiếu đi chất trung lượng, cây trồng dễ bị gãy đổ, vàng lá, dễ bị nấm bệnh gây hại, quả kém năng suất lẫn kém hương vị.
Dưới đây, AVN sẽ hướng dẫn bà con cách nhận biết cây trồng thiếu chất trung lượng để có biện pháp chăm sóc phù hợp.
Dấu hiệu cây thiếu Canxi (Ca)

Canxi (Ca) có vai trò giúp kích thích bộ rễ phát triển, giúp hình thành các hợp chất tạo nên màng tế bào và làm cho cây trở nên cứng cáp hơn. Ngoài ra, Ca còn giúp làm tăng các hoạt tính một số men, trung hòa các axit hữu cơ có trong cây. Do vậy, trái sinh ra sẽ có lượng đường cao, mang lại vị ngọt. Nhờ canxi, các loại cây họ đậu mới có hạt căng mẩy, tròn hạt, bóng đẹp, không bị lem lép.
Khi cây thiếu Ca, biểu hiện đầu tiên bà con thấy là đầu chóp lá và hai bên mép lá sẽ chuyển dần sang màu bạc trắng. Sau đó lá sẽ hóa đen rồi uốn cong và xoắn lại. Trên thân cây thường xuất hiện rễ phụ, lông hút, rễ sinh trưởng chậm. Giai đoạn đậu hoa, trái, cây thiếu Ca sẽ k khiến hoa, trái thối từng mảng.
Dấu hiệu cây thiếu Lưu huỳnh (S)
Tổng hàm lượng S trong các cây trồng khác nhau, khoảng 0,2 đến 0,5% tổng lượng chất khô. Lưu huỳnh tham gia trong các quá trình biến đổi chất của cây như: Quang hợp, hình thành đường và tinh bột, amino axit và protein; giúp tăng cường hoạt động của enzim và vitamin; đặc biệt nó tham gia quá trình hình thành dầu trên các loài cây: lạc, đậu tương, vừng, hướng dương…
Khi cây thiếu Lưu huỳnh, sẽ có các biểu hiện như:
– Lá non mất màu xanh và chuyển sang màu vàng trắng.
– Lá mỏng hơn, gân và phiến lá đều bị mất màu.
– Lá bị quăn vào bên trong và dễ rách.
Dấu hiệu cây thiếu Magie

Mg tham gia vào quá trình quang hợp và cả quá trình hô hấp- hai quá trình cốt lõi duy trì sự sống cho cây trồng. Mg cũng là chất hoạt hóa của nhiều enzyme rất quan trọng quá trình trao đổi chất của cây. Nhờ có Mg, hàm lượng tinh bột của các loài cây ngắn ngày như lúa, ngô, khoai… tăng hàm lượng tinh bột trong sản phẩm. Mg nằm cả trong cấu tạo của tế bào và cả trong chất nguyên sinh của cây do đó nó tham gia điều hòa độ nhớt của cây. Điều này là rất quan trọng với cây cao su-loài cây lấy mủ.
Bà con có thể nhận biết cây thiếu Mg qua biểu hiện sau:
Thiếu magie cũng gây ra tình trạng vàng lá tương tự như tình trạng thiếu lân. Song điểm khác biệt ở chỗ, khi cây thiếu lân, lá sẽ bị bàng từ rìa vào trong còn khi thiếu magie thì lá bị vàng chuyển từ ở phần thịt giữa các gân lá ra và phần bìa lá vẫn có màu xanh.
Nếu cây bị thiếu magie trong thời gian dài sẽ khiến toàn bộ lá cây chuyển sang màu vàng và rụng sớm. Cây đậu trái ít, quả nhỏ và thiếu chất ngọt.
Trên đây là vai trò của các chất trung lượng với cây trồng và biểu hiện cho thấy cây thiếu hụt chúng.
Bà con nắm rõ để có phương pháp sản xuất phù hợp.