Chế phẩm sinh học Nấm xanh Metarhizium anisopliae trừ sâu bệnh hại cây trồng

Để canh tác nông nghiệp bền vững không thể bỏ qua phân bón vi sinh và thuốc bảo vệ thực vật từ các loài nấm. Trong đó, nấm xanh hay nấm lục cương Metarhizium anisopliae là một loài nấm côn trùng với phổ ký chủ rất rộng. Chúng tồn tại tự nhiên trong đất và có khả năng gây bệnh ở nhiều loài côn trùng khác nhau như cào cào, bọ xít, rầy nâu, bộ cánh vảy Lepidoptera… bằng cách ký sinh vật chủ và gây bệnh nấm Xanh. Côn trùng gây hại cây trồng ví đó mà bị diệt trừ.

Nấm xanh Metarhizium anisopliae là gì?

Metarhizium anisopliae là một loài nấm sinh sản vô tính, bào tử nhỏ thuộc nhóm Hyphomycetes. Đặc điểm sinh học của nấm xanh đó là: Các sợi nấm dày đặc, cuống sinh bào tử bện chặt, mỗi cuống sinh bào tử riêng rẻ phân nhánh nhiều lần. Tế bào sinh bào tử có đỉnh tròn bền chặt. Bào tử một tế bào, kích thước 3,5-6,4 µm không có vách ngăn. Bào tử có hình trụ tới hình trứng, hình thành theo dạng chuỗi. Sau khi gây bệnh trên côn trùng, các sợi nấm mọc đâm ra ngoài xác côn trùng và hình thành bảo tử nấm màu xanh lục. Chính vì vậy sau khi côn trùng chết do nấm xanh thường được phủ 1 lớp giống như lớp phấn màu xanh bên ngoài.

Nấm xanh trị được nhiều loại ấu trùng, côn trùng nhờ việc ký sinh

Cơ chế diệt trừ sâu bệnh của Nấm xanh Metarhizium anisopliae

Hoạt tính diệt sâu của Metarhizium anisopliae dựa vào một số ngoại độc tố có tên là Destruxin A, B. Vi nấm Metarhizium anisopliae bám dính trên lớp bề mặt biểu bì của côn trùng và kích hoạt các gen biểu hiện tiết enzyme chitinase và protease phá hủy lớp biểu bì côn trùng. Tiếp đó hệ thống tơ nấm phát triển vào bên trong cơ thể côn trùng, tiếp tục sản sinh các độc tố như destruxin, cytochalasins, swainsonine giết chết côn trùng.

Với cơ chế diệt trừ ký chủ như vậy, nấm xanh có khả năng diệt trừ hiệu quả rầy nâu; các loại ấu trùng, bọ hà đục thân hại rễ cây trồng; bọ xít, sâu cắn gié; bọ cánh cứng; rầy mềm; sâu ăn tạp… Phòng trị hiệu quả các bệnh đốm lá, bạc lá, khô vằn, héo rũ… trên cây trồng, đặc biệt là bệnh rầy nâu hại lúa.

Nấm xanh trị rầy nâu trên lúa

Cách sử dụng chế phẩm sinh học nấm xanh Metarhizium anisopliae

Sử dụng nấm xanh để phòng sâu bệnh

Chế phẩm nấm xanh thường được sử dụng bằng phương pháp phun xịt là chủ yếu. . Để phòng bệnh hiệu quả, bà con cần thực hiện phun xịt định kỳ 3 tháng một lần. Việc xịt phòng định kỳ sẽ bổ sung nấm xanh vào môi trường cây trồng. Điều này giúp kiểm soát tình trạng bệnh hiệu quả, không để bệnh hại lây lan.

  • Liều lượng xịt phòng bệnh: Pha 1 gói chế phẩm nấm xanh 100g với 3L nước. Khuấy đều hoặc bóp nát để bào tử nấm hòa tan trong nước. Sau đó chắt lấy nước pha thêm nước sạch đủ 50L rồi tiến hành phun xịt.
  • Thời điểm phun xịt: Nên phun vào buổi chiều mát, trời không mưa để tránh hiện tượng bốc hơi và rửa trôi.
  • Tần suất phun xỉ: 3 tháng xịt 1 lần để phòng bệnh hiệu quả.

Sử dụng nấm xanh Metarhizium để diệt trừ sâu bệnh

Khi thấy cây trồng bị sâu bệnh gây hại, bà con cần tiến hành xịt trừ nhanh chóng, tránh để bệnh lây lan, trở nặng. Nếu cây bị hại nặng nên xác định thời điểm sâu và rầy rệp ở tuổi 1, 2 hoặc mới lột xác. Thời điểm này, côn trùng còn non nên sẽ dễ bị tổn thương và dễ bị tiêu diệt.

Tiến hành phun nhắc lại 10-15 ngày một lần. Liều lượng có thể pha đậm đặc hơn nếu mật độ sâu hại càng cao. Tiến hành phun cho tới khi mật độ sâu hại giảm dần. Sau đó nên tiến hàng phun phòng định kỳ.

Ngoài ra còn có phương pháp rải trực tiếp vào gốc cây trồng . Khi được bón vào đất, nấm sẽ nhanh chóng phát tán, tăng trưởng sinh khối mạnh. Thường cho hiệu quả trị bệnh sau 7-10 ngày.

Bà con tiến hành trộn nấm xanh với đất bột hoặc phân hữu cơ để rải gốc cây. Thực hiện rải đều lên mặt đất hoặc liếp trước khi gieo trồng và rải dặm lại sau 3 tháng.

Việc sử dụng chế phẩm sinh học trong diệt trừ sâu hại cây trồng giúp làm giảm sự phụ thuộc vào các chất hóa học độc hại. Điều này có vai trò và ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng nền nông nghiệp bền vững. Giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đảm bảo sức khỏe cho cả người canh tác và người tiêu thụ nông sản. Đảm bảo cân bằng sinh thái.