Cao su là cây công nghiệp truyền thống có sản lượng lớn, là một trong những loại cây công nghiệp quan trọng bậc nhất ở nước ta.
Mặc dù là cây thân gỗ lớn, trồng thành rừng nhưng không phải không có sâu bệnh hại, một số bệnh hại như loét mặt cạo do nấm gây ra làm tổn hại nghiêm trọng năng suất cao su trên rừng trồng. Kiểm soát tốt bệnh hại sẽ duy trì được năng suất cao.
Một số bệnh hại chủ yếu
Bệnh phấn trắng
Một trong những dịch hại nguy hiểm thường xuất hiện trong mùa thay lá là bệnh phấn trắng trên cao su. Bệnh đã làm cây bị rụng lá nhiều lần, gây mất sức cây, vì vậy làm chậm thời gian khai thác và làm giảm sản lượng mủ đáng kể.
Chủ yếu bệnh gây hại giai đoạn ra lá non, lúc lá có màu đồng tím. Bệnh làm lá nhăn nheo, dị hình, mặt dưới lá phủ một lớp phấn trắng, sau đó bị rụng. Khi lá ở giai đoạn đã có màu xanh nhạt, vết bệnh biểu hiện là những chấm nhỏ màu vàng nhạt, trên phủ một lớp phấn trắng mỏng, sau đó vết bệnh tiếp tục phát triển, nếu nặng lá sẽ rụng. Ở các giai đoạn sau, lá bị bệnh không bị rụng, mà để lại các vết bệnh màu vàng loang lổ, với nhiều hình dạng khác nhau.
Tác nhân gây hại và điều kiện phát triển
Bệnh phấn trắng do nấm Oidium hevea gây ra. Bệnh gây hại cây cao su ở mọi lứa tuổi, từ vườn ươm, vườn kiến thiết cơ bản, đến vườn đang khai thác. Bệnh thường gây hại nặng vào giai đoạn cây cao su bắt đầu ra lá mới vào đầu mùa Xuân hàng năm, nhất là khi có điều kiện lạnh, ẩm thấp và sương mù nhiều.
Biện pháp trừ bệnh
Thường xuyên thăm vườn cao su để phát hiện sớm và trừ bệnh phấn trắng khi bệnh mới gây hại nhẹ.
Sử dụng thuốc hóa học trị bệnh theo hướng dẫn của cán bộ Nông nghiệp hoặc các công ty Nông nghiệp.
Bệnh rụng lá Corynespora
Bệnh rụng lá Corynespora do nấm Corynespora cassiicola (Berk. & Curt.) Wei là một trong những loại bệnh hại quan trọng trên cây cao su. Bệnh xuất hiện quanh năm và trên mọi giai đoạn sinh trưởng của cây cao su.
Biện pháp phòng bệnh
Chọn giống sạch bệnh, nên mua giống tại các vườn không bị nhiễm bệnh rụng lá Corynespora, hạn chế trồng các giống nhiễm bệnh như RRIV 4, PB260, RRIM600…
Xử lý sạch bệnh rụng lá Corynespora trên cây con trước khi đưa ra trồng.
Biện pháp trừ bệnh
Vệ sinh toàn bộ vườn cao su đã bị bệnh, thu gom các lá, cuống lá, cành, chồi non bị bệnh đã rụng dưới đất để tiêu hủy nhằm làm giảm nguồn nấm bệnh lưu chuyển trên đồng ruộng.
Sử dụng 1 trong các loại thuốc hóa học có chứa Carbendazim; Hexaconazole để trị bệnh
Biện pháp phòng trừ bệnh héo đen đầu lá
Bệnh do nấm Colletotrichum gloeosporioides gây ra
Triệu chứng: Vết bệnh đầu tiên trên lá non có đốm nâu nhạt xuất hiện ở đầu lá sau đó lan rộng tạo vùng thâm đen tại đầu lá và rụng từng lá chét, sau cùng rụng cuống lá. Trên lá già, không gây rụng nhưng để lại đốm u lồi trên phiến lá có chứa nhiều bào tử. Bệnh còn gây hại trên trái và chồi non, vết bệnh có màu nâu đến nâu đậm dẫn đến chết chồi và khô trái.
Biện pháp phòng bệnh
Tại các vùng cao, vùng đồi núi thường bị nhiễm bệnh héo đen đầu lá nặng nên trồng giống chống chịu bệnh như: PB217, PB235.
Biện pháp trừ bệnh
Thường xuyên thăm vườn cao su để phát hiện sớm và trừ bệnh khi bệnh mới gây hại nhẹ.
Sử dụng các loại thuốc hóa học khi bệnh vượt quá mức kiểm soát
Biện pháp phòng trừ bệnh loét sọc mặt cạo
Do nấm Phytophthora palmivora (Bult.) Bult; P. botryosa Chee và P. meadii Mc Rae. Tại Việt Nam do P. palmivora và P. botryosa, chúng cũng là tác nhân gây rụng lá mùa mưa, cho nên bệnh thường nặng ở vùng có rụng lá mùa mưa do nước mưa rửa trôi bào tử xuống mặt cạo
Biện pháp phòng bệnh
- Sử dụng dòng vô tính kháng bệnh: PB 235 và một số dòng vô tính RRIC (theo hướng dẫn của Viện nghiên cứu Cao su Việt Nam).
- Khi vườn cây đã bị bệnh vào mùa mưa nên nhúng dao cạo vào một dung dịch thuốc đặc trị bệnh trước khi cạo cây kế tiếp.
- Không cạo mủ khi vỏ cây còn ướt, không cạo gần mặt đất trong mùa mưa. Tránh cạo sát, cạo phạm hoặc nghỉ cạo một thời gian nếu bệnh nặng.
- Trong mùa mưa định kỳ bôi vazelline 10 ngày 1 lần lên mặt cạo để hạn chế sự xâm nhiễm của nấm bệnh.
Biện pháp trừ bệnh
Thường xuyên thăm vườn cao su để phát hiện sớm và trừ bệnh khi bệnh mới gây hại nhẹ.
Sử dụng thuốc hóa học khi bệnh trở nên phổ biến.