Cây ca cao là loài cây đáp ứng được cả 3 chương trình lớn của quốc gia là phủ xanh đồi trọc, xóa đói giảm nghèo cho vùng sâu, vùng xa và đa dạng hóa hệ thống cây trồng. Đây là một trong những loại cây trồng giá trị trong ngành nông nghiệp, đặc biệt trong sản xuất sô-cô-la và các sản phẩm từ ca cao.
Loài cây này bị đe dọa bởi các loài sâu hại như sâu hồng, bọt xít muỗi, bọ cánh tơ, rệp sáp… và đặc biệt là mọt đục cành. Mọt đục cành có khả năng tấn công vào các cành ca cao, làm cho cây suy yếu và dễ bị gãy, ảnh hưởng nặng nề đến khả năng ra hoa, đậu trái của ca cao.
Đặc điểm hình thái của sâu mọt đục cành cây ca cao

– Trứng: giai đoạn ủ trứng từ 5 đến 6 ngày, thường có màu trắng. Trứng mọt có kích thước từ 0,3mm đến 0,5 mm.
– Mọt đục cành ca cao trưởng thành là bọ cánh cứng nhỏ có chiều dài khoảng 2 mm, màu nâu đen. Trên lưng và cánh cứng có nhiều lông ngắn thưa thớt mềm mại có màu hung và nhiều hàng chấm lõm.
– Sâu non màu trắng sữa, không có chân, mình mập, đầu màu nâu nhạt, đẫy sức dài 3 mm.
Dấu hiệu cây ca cao bị sâu mọt đục cành gây hại
Dưới đây là một số dấu hiệu phổ biến cho thấy cây ca cao đang bị sâu mọt đục cành gây hại:
– Xuất hiện lỗ nhỏ trên cành ca cao: Một trong những dấu hiệu đầu tiên và dễ nhận biết nhất là sự xuất hiện của những lỗ nhỏ trên bề mặt cành cây ca cao. Những lỗ này là đường đi mà sâu mọt tạo ra khi chúng xâm nhập vào bên trong. Bà con quan sát sẽ thấy có mùn gỗ xung quanh lỗ mà sâu mọt đục cành gây hại. Lỗ đục hình tròn, miệng lỗ quay xuống dưới, sâu mọt sẽ đẻ trứng trong các lỗ đục.
– Cành ca cao yếu và dễ gãy: Khi bị sâu mọt đục, cành cây ca cao sẽ yếu đi, dễ bị gãy khi gặp gió to hoặc mưa lớn.
– Cành ca cao có dấu hiệu khô héo: Sâu non đục bên trong cành làm mất đi nguồn dẫn dinh dưỡng khiến lá cây vàng, cành héo, bị gây hại nặng có thể khiến cành chết khô.
Cách phòng trừ sâu mọt đục cành ca cao

Để phòng trừ sâu mọt đục cành ca cao, bà con cần:
– Thường xuyên thăm vườn để kịp thời phát hiện sâu bệnh.
– Bón phân cân đối dinh dưỡng để cây khỏe, ít sâu bệnh.
– Khi phát hiện cây bị sâu mọt gây hại, khẩn trương cắt bỏ các cành bị tấn công để tránh lây lan. Tiêu hủy triệt để các cành sâu bệnh này.
– Sử dụng thuốc BVTV chứa hoạt chất Cypermethrin; Profenofos, Dimethoate… để phun trừ.