Cách phòng trị đuông, kiến vương hại dừa hiệu quả

Kiến vương, đuông là hai loại sâu thường gây hại cây dừa. Nếu không được kịp thời phát hiện, vườn dừa có thể suy kiệt bởi sự tấn công bởi chúng. Thành trùng của kiến vương tấn công cây dừa ở đủ mọi lứa tuổi. Chúng ăn các lá non đang phát triển, đục vào chồi và đỉnh tăng trưởng của dừa, trường hợp nặng có thể gây chết cây dừa. Với đuông, được đánh giá là côn trùng gây hại nguy hiểm nhất bởi vì rất khó phát hiện khi nó bắt đầu tấn công đọt non. Đến khi phát hiện ra thì đỉnh sinh trưởng đã bị phá hủy, cây dừa chết mà không thể cứu được.

Sau đây, AVN sẽ hướng dẫn bà con cách phòng trị hai loại sâu bệnh này một cách hiệu quả.

Cách phòng trị đuông tấn công gây hại cây dừa

Đuông gây hại dừa

Đuông dừa có tên khoa học là Rhynchophorus ferrugines, chúng trải qua các giai đoạn sinh trưởng: trứng, ấu trùng, nhộng, trưởng thành. Giai đoạn ấu trùng, thường hoạt động và gây hại vào đầu mùa mưa. Ấu trùng đuông dừa thường tấn công và gây hại nặng đối với những cây dừa mới trồng khoảng 2 – 5 năm tuổi. Chúng phá hoại đỉnh sinh trưởng làm những lá non héo và ngã xuống dựa vào những vết thương cơ học hoặc do kiến vương gây ra. Đuông còn thích đẻ trứng ở các vết nứt của gốc dừa và rễ dừa trồi lên mặt đất. Rất khó nhận biết được cây dừa đã bị đuông gây hại ở giai đoạn đầu. Thường khi phát hiện, cây đã bị gây hại nặng. Khi cây dừa bị đuông tấn công, quan sát kỹ bà con sẽ thấy có những lỗ đục trên thân dừa. Từ những lỗ đục này sẽ chảy ra chất nhựa màu nâu đỏ và những xơ do đuông đùn ra. Nếu cây bị nặng hơn các lá non héo dần, áp tai vào thân dừa sẽ nghe tiếng đuông đục phá bên trong và có mùi hôi thối.

Từ những tập tính gây hại nói trên của đuông, bà con có thể phòng và trị đuông tấn công gây hại cây dừa như sau:

 – Vệ sinh thông thoáng vườn dừa, đối với những cây dừa bị đuông phá hại cần đem tiêu hủy nhằm hạn chế sự lây lan.

– Hạn chế tối đa việc gây ra các vết thương cơ học trên thân dừa và sự gây hại của kiến vương.

– Quét vôi kín phần gốc giai đoạn cây 2 – 5 năm tuổi để chống đuông đẻ trứng vào các vết nứt.

– Sử dụng thuốc trừ sâu dạng hạt rắc lên đọt và kẽ lá dừa để đề phòng đuông dừa. Đối với vườn còn nhỏ, mùa nắng rắc thuốc hột hoặc thuốc nước trộn với mạt cưa 3 tháng/lần, mùa mưa có thể dùng cát hoặc mạt cưa trộn thuốc treo ở ngọn dừa.

– Khi phát hiện dừa mới bị đuông tấn công có thể dùng thuốc BVTV chứa các hoạt chất bamectin, alpha-cypermethrin, isoprocarb, fenobucarb… để diệt trừ. Bà con rót thuốc vào lỗ đục của đuông thuốc sẽ ngấm vào thân cây và tiêu diệt đuông. Sau 1, 2 ngày kiểm tra nếu không còn thấy xác bã cây và nhựa màu nâu rỉ ra từ lỗ đục là đuông đã chết.

Cách phòng trị kiến vương gây hại cây dừa

Bẫy diệt kiến vương gây hại dừa

Nếu đuông dừa gây hại chủ yếu khi còn là ấu trùng thì kiến vương lại gây hại nặng nề cho cây dừa khi đã thành trùng.

Chúng cắn phá phần mô mềm ở ngọn và đọt non, làm các lá không nở được hoặc bị nhăn nheo, hay có vết sẹo hình chữ V. Các vết thương do kiến vương gây ra tạo điều kiện cho các vi sinh vật gây bệnh xâm nhập, hoặc đuông có điều kiện đẻ trứng và gây hại. Nếu bị tấn công nặng vào giai đoạn cây con, dừa có thể bị chết. Kiến vương cắn phá mạnh nhất vào sáng sớm và chiều mát và thường gây hại nặng vào mùa mưa. Từ những tập tính gây hại này, bà con có thể phòng trị kiến vương gây hại cây dừa bằng cách sau:

– Thường xuyên vệ sinh vườn dừa, dọn nhen dừa đã mục để loại bỏ nơi ẩn nấp của kiến vương. Điều này cũng giúp bà con dễ nhận biết được dấu hiệu cây dừa bị kiến vương gây hại.

– Tránh gây vết thương cho cây vì kiến vương thường xâm nhập gây hại cây dừa thông qua các vết thương cơ giới này.

– Dùng mạt cưa trộn với thuốc BVTV chứa hoạt chất Emamectin benzoate và Fipronil hoặc Carbosulfan và Nereistoxin rải lên các nách lá đọt vài tháng một lần để phòng và trị kiến vương gây hại dừa.

– Sử dụng lưới bẫy kiến vương bằng cách: Dùng 1 đoạn lưới cước (lưới bén) cỡ mắt lưới 2 cm, dài 3 m x rộng 0,6m, quấn kín khoảng 5-6 kẻ bẹ lá ngọn. Loại bẫy này khiến kiến vương khi bay vào sẽ bị vướng lưới chết.

– Nếu phát hiện có kiến vương tấn công dừa, sử dụng thuốc BVTV chứa hoạt chất  Carbosulfan 5% hoặc Nereistoxin kết hợp Aliette pha đậm đặc bơm vào các lỗ đục.

– Các cây dừa bị kiến vương làm chết phải đốt, tiêu hủy (có thể ngâm dưới mương) hoặc xử lý bằng hóa chất để tránh lây lan.