Sầu riêng có thể nói là đặc sản miền nam nước ta. Đây là loại trái cây có mùi hương đặc trưng, vị ngọt, béo, ai đã ăn một lần là nhớ mãi không quên. Giá trị thương phẩm của sầu riêng cũng thuộc hàng cao, đem lại giá trị kinh tế lớn cho bà con nông dân.
Sầu riêng rất dễ gặp hiện tượng rụng trái, trái lép nếu không biết cách chăm sóc phù hợp trong giai đoạn nuôi trái.
Cung cấp nước cho sầu riêng giai đoạn nuôi trái như thế nào?
Nước là yếu tố cần thiết để cây sinh trưởng, nhất là giai đoạn nuôi trái. Bà con cần tưới nước cho sầu riêng đầy đủ để năng suất và chất lượng trái được đảm bảo.
Nếu để cây thiếu nước mà gặp cơn mưa bất chợt, đột ngột, cây sẽ bị sốc nước và rụng trái. Ở giai đoạn trái non, nếu gặp phải thời tiết nắng nóng khắc nghiệt, cây trở nên bị mất nước đột ngột thì bà con có thể phun nước lên tán lá để giải nhiệt cho cây.
Tưới nước giai đoạn trái non cũng cần chú ý tưới nước sạch, không bị nhiễm mặn, nhiễm phèn. Vào mùa mưa cần chú ý hệ thống thoát nước, tránh để cây ngập úng.
Cung cấp dinh dưỡng cho sầu riêng giai đoạn nuôi trái ra sao?
Nhiều nhà vườn sầu riêng ngừng bón phân, sợ cây bị đi đọt, rụng trái. Tuy nhiên, nếu không cung cấp đủ chất cho cây giai đoạn này sẽ các khiến cây suy dinh dưỡng, càng dễ rụng trái non. Bà con cần thực hiện chăm sóc cây sầu riêng giai đoạn nuôi trái như sau:
Bón gốc
Giai đoạn trái non: Khi sầu riêng đạt kích thước bằng quả cam (giai đoạn sau khi xổ nhụy từ 30 – 40 ngày), bà con cần cung cấp NPK với hàm lượng bằng nhau để tăng độ phì cho đất, đảm bảo nguồn dinh dưỡng nuôi cây và nuôi trái.
Giai đoạn trái lớn, 45 ngày trở lên đối với giống Ri6 và khoảng 60 ngày trở lên đối với giống Moongthon: Bà con nên cung cấp cho cây phân bón với tỷ lệ Đạm và Kali cao để tạo bộ khung và màu xanh đặc trưng của trái, chú ý Kali phải là dạng Kali Sulfat (K2SO4), không được bón Kali Clorua (KCl) vì KCl sẽ làm cho trái bị sượng múi và giảm đi mùi thơm của trái.
Giai đoạn trái đạt 1,2-1,5kg/trái (thường là 90 ngày): Bà con chỉ bón Kali để giúp trái chuyển hóa nhanh lượng tinh bột, tăng độ ngon ngọt cho trái cũng như giúp màu sắc vỏ bóng đẹp hơn.
Bón lá
Bên cạnh việc bón gốc, bà con cũng cần chú ý bón các loại chất trung – vi lượng như: Canxi, Bo, Mg, Zn, Cu, Fe, Mn… cho mặt dưới lá và theo hình thức phun để hạn chế rụng, trái xanh gai, to tròn, tránh nứt gai, nứt cuống.
Nên ưu tiên các dòng phân công thức 3 số bằng nhau như 20-20-20, 21-21-21…
Thực hiện phun sau khi cây xổ nhụy xong tầm 3-4 ngày thì bạn có thể phun và phun định kì 10-15 ngày/lần.