Lúa là cây lương thực chủ đạo của Việt Nam và là một cây lương thực chính trên thế giới, lúa không chỉ là cây trồng cung cấp lương thực, nó còn là một phần văn hóa không thể tách rời của Việt Nam. Ngày nay, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật, các loại sâu bệnh hại lúa được ghi nhận và kiểm kê. Tổng số loài côn trùng có mặt trên lúa là 461 loài, trong đó 100 loài gây hại song các đối tượng gây hại chủ yếu khoảng 20 loài như: sâu đục thân lúa, sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu…Chúng gây hại với mật độ cao trên diện tích rộng phân bố khắp các tỉnh trong phạm vi cả nước đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất và sản lượng lúa.
Những loài sâu hại lúa chiếm tỷ trọng lớn nhất được ghi nhận là Sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân bướm hai chấm, rầy nâu…
Sâu cuốn lá nhỏ
Sâu cuốn lá nhỏ là đối tượng sâu hại chủ yếu trên đồng ruộng.
Sâu non cuốn lá nhỏ từ cuối tuổi 2, sâu non bắt đầu nhả tơ kéo hai mép khoảng giữa lá lúa hoặc mạ dệt thành bao và nằm trong đó gây hại. Sâu tuổi 4 – 5 có khả năng nhả tơ gập lá theo chiều ngang. Sâu nằm trong bao có thể phá hại suốt ngày đêm. Sâu còn có khả năng di chuyển ra khỏi bao cũ để phá hại lá mới, mỗi con sâu non có thể phá hại 5 – 9 lá.
Mức độ gây hại của Sâu non cuốn lá nhỏ tùy theo giai đoạn sinh trưởng của cây lúa, ở giai đoạn lúa đẻ nhánh, cứ 1% lá bị hại thì tỷ lệ giảm năng suất là 0,15 – 0,18%, giai đoạn lúa đứng cái – làm đòng là 0,7 – 0,8%, giai đoạn đòng già – trỗ là 1,15 – 1,2%, nhưng giai đoạn này ít xảy ra vì lúc này lá đòng đã cứng, sâu không cuốn tổ được. Mức độ và quy luật gây hại của sâu cuốn lá nhỏ cũng chịu ảnh hưởng của các yếu tố thiên địch, đã tìm thấy có 75 loài thiên địch của Sâu non cuốn lá nhỏ, trong đó có 24 loài bắt mồi và 51 loài ký sinh.
Sâu đục thân lúa hai chấm
Sâu đục thân lúa hai chấm là đối tượng sâu hại nguy hiểm trên cây lúa, năm 1990 – 1994, sâu đục thân 2 chấm đứng hàng thứ 3 về diện tích lúa bị phá hại sau rầy nâu và sâu cuốn lá nhỏ.
Sâu đục thân lúa hai chấm đã được ghi nhận có mặt ở 44 tỉnh trong cả nước, từ miền núi đến đồng bằng đến các tỉnh ven biển. Ở các tỉnh phía Bắc sâu ĐTLBHC gây hại cả hai vụ lúa, mỗi vụ thường có một vụ gây hại nặng đó là lứa 2 (ở vụ xuân), lứa 5 (ở vụ mùa). Một vài năm gần đây mức độ gây hại của Sâu đục thân lúa hai chấm có xu hướng tăng lên, kể cả diện phân bố và mức độ gây hại. Sâu đục thân lúa hai chấm hại nặng ở một số tỉnh Nam Định, Bắc Ninh, Hải Phòng, Ninh Bình, Hải Dương tỷ lệ bông bạc nơi cao 30 – 50% cá biệt lên đến 70 – 90%.
Rầy nâu
Rầy nâu là đối tượng sâu chích hút gây hại phổ biến và nghiêm trọng trên cây lúa. Chúng có mặt ở khắp các vùng trồng lúa nhất là các vùng lúa thâm canh.
Năm 1977, dịch rầy nâu ở Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp và Cửu Long trên diện tích 100.000 ha, trong đó có 10.000 ha bị mất trắng và 90.000 ha bị hại 30 – 50% năng suất.
Những năm gần đây, rầy nâu càng trở lên nguy hiểm hơn bởi vì ngoài tác hại trực tiếp là chích hút nhựa của cây lúa, ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long và vùng Đông Nam Bộ rầy còn là môi giới truyền bệnh virus bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá cho cây. Năm 2006 (tính đến tháng 10/2006), diện tích lúa nhiễm rầy ở các tỉnh ĐBSCL và Đông Nam Bộ là 33.323 ha và diện tích nhiễm bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá là 51.768 ha, trong đó có 26.283 ha nhiễm bệnh nặng cần tiêu huỷ (Theo Bộ NN &PTNT, 2006).
Ở Việt Nam, rầy nâu tồn tại quanh năm nhưng sự phát sinh gây hại phụ thuộc chặt chẽ vào điều kiện thời tiết, tập quán canh tác của từng vùng miền. Ở các tỉnh phía Bắc thời tiết khí hậu có 4 mùa rõ rệt thì rầy nâu thường phát sinh từ tháng 1 đến tháng 11 hàng năm và thường có từ 7 – 8 lứa trong đó gây hại nặng ở lứa 2, lứa 3 (vụ xuân) và lứa 6, lứa 7 (vụ mùa).
Rầy nâu và rầy lưng trắng ở nước ta đã ghi nhận có khoảng 84 loài thiên địch. Trong điều kiện ở nước ta, đã ghi nhận có khoảng 20 loài thiên địch phổ biến của rầy nâu trên đồng lúa từ đồng bằng sông Hồng đến ĐBSCL. Có ít nhất 4 loài ký sinh trên trứng rầy nâu là ong Anagrus flaveolus, Anagrus optabilis, Gonatocerus sp., Oligosita sp. Ba loài ngoại ký sinh trên lưng các rầy non và trưởng thành là ong Haplogonatopus apicalis, Pseudogonatopus flavifermur, Pseudogonatopus hospes.
Ngoài ra, trên cây lúa còn có các loài sâu hại phổ biến như rầy lưng trắng, sâu cắn gié, sâu sừng, sâu keo, bọ xít dài…