Các loài sâu hại chính trên lúa

Lúa là cây lương thực chính của Việt Nam từ xưa đến nay và vẫn luôn là nguồn xuất khẩu chủ lực mang lại ngoại tệ cho đất nước. Tuy vậy, việc trồng lúa vẫn luôn là công việc vất vả và luôn có nhiều mối lo tiềm ẩn như thiên tai, sâu hại và bệnh hại. Ở đây, chúng tôi muốn trao đổi về các loại sâu hại lúa chính trên đồng ruộng, gây hại nặng nề nhất và cần phải chú ý để phòng trừ.

Rầy nâu

Đặc điểm rầy nâu

  • Rầy trưởng thành màu nâu và có 2 dạng: dạng cánh dài phủ kín thân và dạng cánh ngắn phủ 2/3 thân.
  • Trứng hình quả chuối, một đầu to, một đầu nhỏ màu trong suốt.
  • Rầy non lúc nhỏ có màu đen xám, sau thành màu nâu vàng, thân hình tròn trĩnh. Rầy non có 5 tuổi, dài 1- 3mm.
Rầy nâu hại lúa

Triệu chứng gây hại

Rầy trưởng thành và rầy non dùng miệng chích vào thân cây lúa để hút dịch cây. Bị hại nhẹ các lá dưới có thể bị héo. Bị hại năng chúng gây nên hiện tượng “cháy rầy”, cả ruộng bị khô héo, màu trắng tái hoặc trắng. Phần dưới thân cây lúa có màu đen nâu. Các vết thương cơ giới đó tạo điều điều kiện cho nấm bệnh xâm nhập làm cho cây lúa thối nhũn, đổ rạp, gây nên hiện tượng bông lúa bị lép một nửa hoặc toàn bộ. Hiện tượng cháy rầy đầu tiên mang tính cục bộ một vài m2, nhưng nếu gặp điều kiện thuận lợi vết cháy rầy lan toả rất nhanh lên tới một vài hecta hoặc cả cánh đồng trong vòng 1-2 tuần.

Bọ trĩ

Đặc điểm hình thái bọ trĩ

  • Trứng hình bầu dục, khi mới đẻ có màu trong suốt, lúc sắp nở có màu vàng nhạt.
  • Sâu non mới nở thân có màu trong suốt, sau lần lột các thứ nhất có màu vàng nhạt. Cơ thể hình ống, râu dài không quá ½ cơ thể, đầu nhỏ hơn ngực.
  • Nhộng màu vàng sẫm, không di chuyển. Giai đoạn này phần phụ nhìn thấy rõ, cánh kéo dài tới đốt bụng thứ 4. Thường hoá nhộng ngay trong những lá đã cuốn lại.
  • Con trưởng thành mới vũ hoá có màu nâu sáng, sau có màu đen bóng, rất nhanh nhẹn, thường bò cong bụng trên mặt lá. Râu đầu hình chuỗi hạt 7 đốt, đốt gốc to hơn các đốt khác. Đầu hơi giống hình chữ nhật, mắt kép bé. Con đực có kích thước nhỏ hơn con cái.
Bọ trĩ hại lúa

Dấu hiệu gây hại

Bọ trĩ (còn gọi là bù lạch) xuất hiện nhiều khi ruộng khô, gây hại làm cho đầu lá lúa quắn lại và biến màu vàng. Khi trời mưa bọ trĩ giảm số lượng rõ rệt, nhất là giai đoạn bọ trĩ lớn. Thời gian xuất hiện bọ trĩ từ khi cây lúa mới mọc đến đẻ nhánh mật độ bọ trĩ tăng cao sau đó giảm vì lá lúa cứng không thích hợp cho bọ trĩ gây hại. Bọ trĩ gây hại làm lá bị cuốn lại ở chóp, lá héo, tóp lại và khô vàng đi. Đặc biệt nặng ở các ruộng khô nước.

Nhận biết bằng cách đặt lòng bàn tay xuống nước cho ướt rồi dùng lòng bàn tay quét trên ngọn các cây lúa, nếu thấy nhiều con bọ trĩ bám trên tay thì đó là những nơi có mật độ bọ trĩ cao cần phải phun thuốc trừ ngay.

Sâu cuốn lá

Đặc điểm hình thái sâu cuốn lá

  • Ngài: Mép trước của cánh trước có màu nâu vàng, có hai vệt xiên màu nâu đen từ trên mép cánh xuống 2/3 cánh.
  • Trứng: Hình bầu dục có vân mạng lưới rất nhỏ, đẻ từng quả ở mặt trên và mặt dưới lá, trứng mới đẻ có màu hơi đục khi gần nở chuyển màu ngà vàng.
  • Sâu non: Sâu non có 5 tuổi, mới mở màu trắng trong, đầu có màu nâu đen, khi lớn cơ thể chuyển màu xanh lá mạ – màu vàng, đầu màu nâu sáng.
  • Nhộng có màu vàng – nâu đậm, thường thấy trong lá bị cuốn.
Sâu cuốn lá hại lúa

Triệu chứng gây hại

Sâu non ăn biểu bì mặt trên và diệp lục của lá dọc theo gân lá tạo thành những vệt trắng dài, các vệt này có thể nối liền với nhau thành từng mảng làm giảm diện tích quang hợp và sau đó cuốn lá lúa lại làm tổ và hóa nhộng trong tổ. Sâu cuốn lá làm hỏng toàn bộ lá Lúa nên cây không sinh trưởng phát triển được và tùy theo mật độ, có thể làm giảm năng suất hoặc mất trắng. Đặc điểm theo tuổi sâu:

  • Tuổi 1 đã rất linh hoạt có thể bò khắp trên lá, chui vào lá nõn, mặt trong bẹ lá hoặc bao lá cũ
  • Tuổi 2, 3 trở đi nhả tơ để khâu 2 mép lá cuốn thành tổ nằm trong đó gây hại. Sâu có khả năng di chuyển ra khỏi bao cũ để phá hại lá mới, mỗi con sâu non có thể phá hại từ 5 – 9 lá, thời gian di chuyển thường vào buổi chiều (từ 6 giờ – 9 giờ tối), ngày trời mưa hoặc râm mát thì có thể di chuyển bất cứ lúc nào trong ngày.
  • Tuổi 5 đẫy sức chuyển màu vàng hồng chui ra khỏi bao bò xuống gốc lúa, bẹ lá dệt kén mỏng hoá nhộng hoặc hoá nhộng ngay trong bao cũ.