Tháng 3 là thời điểm lý tưởng để gieo trồng đỗ xanh. Đây là lúc thời tiết không còn lạnh, cũng không quá nóng, rất thuận lời cho việc gieo trồng.
Để vụ mùa bội thu, bà con cần thường xuyên theo dõi để phát hiện phòng trừ sâu, bệnh kịp thời, nhất là giai đoạn cây con và giai đoạn cây ra hoa. Dưới đây là một số sâu bệnh hại phổ biến trên đỗ xanh, bà con cần nắm rõ để chăm sóc cây tốt nhất.
Bệnh lở cổ rễ – chết cây con
Bệnh lở cổ rễ do nấm Rhizoctonia solani gây ra. Bệnh thường diễn ra vào giai đoạn cây còn nhỏ, từ khi mọc đến 1 tháng. Nấm bệnh tấn công vào phần gốc cây, làm cho gốc bị khô teo, cây đậu bị héo chết. Bệnh dễ lây lan gây chết hàng loạt, làm giảm mật độ cây trồng.
Loại nấm gây bệnh này tồn tại trong đất, thích hợp với ẩm độ và nhiệt độ cao.
Để phòng trừ bệnh này, bà con nên dùng các phương pháp sau:
– Sử dụng giống sạch bệnh; Xử lý hạt giống trước khi gieo bằng thuốc Captan hoặc Benlat C, liều lượng 1,5 kg/1 tấn hạt giống.
– Luân canh cây trồng khác họ;
– Sử dụng thuốc BVTV sau để phòng trừ bệnh:
Khi cây mọc đều (5-7 ngày sau khi gieo): Phun thuốc Anvil (6-10ml/bình 8 lít) để trị và ngừa bệnh.
Bệnh gỉ sắt
Trong giai đoạn cây đỗ ra hoa, đậu quả, nếu thấy các dấu hiệu sau thì chứng tỏ cây đã bị nhiễm bệnh gỉ sắt:
Đầu tiên dưới mặt lá có những chấm nhỏ màu vàng, sau tạo thành màu vàng cam. Cuối cùng các vết bệnh lan rộng ra toàn bộ lá, làm cho lá bị vàng, cháy khô và rụng. Trên thân, quả có những đốm nhỏ hơi gồ lên và phủ một lớp bột màu nâu vàng. Cây nhiễm bệnh khiến sinh trưởng kém, lá và hoa bị rụng, quả ít, hạt lép, năng suất giảm.
Bệnh gỉ sắt do nấm Uromyces appandiculatus gây hại, phát sinh phát triển trong điều kiện thời tiết nóng ẩm, chăm sóc kém.
Cách trừ bệnh: Phun thuốc Anvil (20ml/bình 8 lít) hoặc Tilt (10ml/bình 8 lít) khi bệnh chớm xuất hiện.
Bà con có thể phòng bệnh bằng cách:
– Sử dụng giống kháng bệnh.
– Tăng sức đề kháng cho cây.
– Vệ sinh đồng ruộng sạch sẽ, thu gom tàn dư sau mùa vụ trước, tránh việc để lại tồn dư chất thải tạo điều kiện cho nấm phát triển.
Bệnh bọ trĩ
Bọ trĩ trên cây đậu gây nguy hại trong giai đoạn cây còn nhỏ. Bọ trĩ hút nhựa cây làm cho lá bị co lại; ngọn bị thui, cây cằn cỗi. Khi cây đậu đã lớn thì tác hại của bọ trĩ giảm xuống song vẫn khiến cây sinh trưởng kém, ảnh hưởng đến năng suất cây trồng.
Khi bị bọ trĩ gây hại, đặc biệt giai đoạn cây con, bà con cần phun thuốc để phòng trừ: Marshal (20ml/bình 8 lít), Admire (15ml/bình), Confidor (8ml/bình).
Sâu đục nụ, quả
Ở giai đoạn nụ, sâu nhả tơ cuốn chùm nụ và nằm bên trong phá hại. Khi cây có trái, sâu đục vào trong trái. Đây là loại sâu nguy hiểm, khó phòng trừ, nguy cơ làm giảm năng suất 20-30%.
Trừ sâu đục bằng cách:
Khi thấy sâu còn nhỏ xuất hiện gây hại, phun thuốc để diệt trừ. Có thể phun định kỳ 7 ngày /lần từ khi cây đậu ra nụ tới khi trái già bằng một trong các loại thuốc sau: Pegasus (10ml/bình 8 lít), Proclaim (10 ml/bình), Match (10 ml/bình).
Tốt nhất nên sử dụng luân phiên các loại thuốc để tránh sâu kháng thuốc.
Trên đây là một số sâu bệnh hại trên cây đỗ xanh, bà con chú ý theo dõi, chăm sóc để cây đạt năng suất cao.