Một chu kỳ sống của cây lúa sẽ trải qua 3 thời kỳ: sinh trưởng sinh dưỡng, sinh trưởng sinh thực và thời kỳ lúa chín. Mỗi thời kỳ có đặc điểm khác nhau và cách chăm sóc, bảo vệ cũng thay đổi theo
Khu vực đồng bằng sông Cửu Long chiếm hơn 50% sản lượng lúa gạo của cả nước và chiếm hơn 90% sản lượng xuất khẩu, do đó lúa gạo chiếm vị thế quan trọng bậc nhất trong ngành nông nghiệp. Việc nghiên cứu thêm về cây lúa mang lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp nông nghiệp và nông dân.
Thời kỳ sinh trưởng sinh dưỡng
Thời kỳ này bắt đầu từ lúc lúa được gieo xuống đất đến khi đẻ nhánh và phát triển lóng, thân, lá. Người nông dân cần phải chăm sóc với chế độ thích hợp tạo điều kiện để lúa phát triển tối đa, cho số nhánh hữu hiệu cao, to và khỏe.
Giai đoạn này lúa hay mắc các bệnh hại như sâu đục thân, sâu cuốn lá,… phá hoại nhánh và lá lúa, ngăn chặn quá trình sinh trưởng, quang hợp. Vì vậy, cần phải có biện pháp phòng trừ sâu bệnh hợp lý, đúng lúc, kịp thời.
Đồng thời, để lúa cho năng suất cao nhất, cần bón phân và giữ cho chế độ nước tưới phù hợp. Nếu là vào vụ mùa, mưa nhiều có thể khiến cho lúa ngập úng, cần xử lý thoát nước kịp thời. Còn vào vụ đông xuân và vụ hè thu, cần duy trì lượng nước trong ruộng vừa ngập gốc để hòa tan phân bón và tạo độ ẩm thích hợp cho lúa đẻ nhánh.
Trong thời kỳ sinh trưởng sinh thực
Thời kỳ này kéo dài từ lúc lúa phân hóa mầm hoa đến khi trổ bông và thụ tinh. Chăm sóc tốt cho cây lúa ở thời kỳ này sẽ giúp tạo ra số lượng hoa và bông hữu hiệu đều, dòng và bông to, khỏe, lúa trổ đều, tỉ lệ thụ phấn, thụ tinh cao. Thời kỳ này cây lúa cần đủ nước và được chăm sóc, bón phân đầy đủ.
Đối với thời kỳ này, cần:
- Bón phân cân đối và hợp lý, đúng lúc để cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, tạo điều kiện cho lúa nuôi đòng.
- Luôn duy trì mức nước trong ruộng vừa phải, giữ ẩm cho ruộng lúa.
- Theo dõi sát sao để phát hiện và phòng bệnh cho lúa kịp thời.
Thời kỳ lúa chín
Đây là thời kỳ quyết định chất lượng của hạt lúa, bắt đầu từ lúc lúa chín sữa đến khi chính hoàn toàn. Lúa có nhiều hạt lép hay không, trọng lượng hạt như thế nào phụ thuộc vào cách chăm sóc của bà con tại thời điểm này. Cần theo dõi, thăm đồng thường xuyên để phát hiện các dịch hại phát sinh để ngăn chặn kịp thời.
Chế độ chăm sóc trong thời kỳ lúa chín:
- Nên bón những loại phân bón có hàm lượng kali cao để bổ sung dinh dưỡng, tạo điều kiện cho lúa tích lũy chất, cho ra những hạt lúa to, mẩy.
- Giữ mực nước vừa phải, giữ ruộng luôn đủ ẩm, không để khô hạn, nhất là vào vụ đông xuân khi trời mưa ít.
- Kiểm tra thường xuyên tình hình sâu bệnh để tiêu diệt kịp thời.
- Khi lúa chín vàng đến 90% là có thể tiến hành thu hoạch. Trước khi thu hoạch 10 – 12 ngày thì rút nước để việc thu hoạch dễ dàng hơn.