Bón phân cho mía như thế nào?

Để cây mía lóng dài, lượng đường cao, năng suất tốt. Ngoài việc phòng trừ sâu bệnh hại như thán thư, thối đỏ, bọ hung đục gốc, sâu đục thân… thì việc chăm bón phân hợp lý theo từng giai đoạn sinh trưởng là vô cùng cần thiết.

Chủ đề hôm nay, AVN sẽ hướng dẫn bà con cách bón phân sao cho đúng để vựa mía đạt hiệu quả cao.

Tổng lượng phân cần bón cho một mùa mía

Giá trị mía mang lại chính là lượng đường. Lượng đường và chất lượng đường phụ thuộc rất nhiều vào số lượng và tỷ lệ các chất dinh dưỡng cung cấp cho mía. Để mía đạt năng suất cao và hàm lượng đường đạt chuẩn rất cần nền dinh dưỡng dồi dào với tỷ lệ hợp lý.

Dưới đây là lượng phân cần bón cho 1 ha mía, bà con tùy theo loại đất và điều kiện canh tác ở mỗi vùng mà điều chỉnh lượng phân bón sao cho phù hợp, trung bình như sau:

  • Canh tác trên đất xám cát và xám bạc màu: Đạm (N) 200-250kg/ha, Lân 90-100kg/ha, Kali 180-200 kg/ha.
  • Canh tác trên đất cát pha: Đạm (N) 180-220kg/ha, Lân 80-100kg/ha, Kali 160-190 kg/ha.
  • Canh tác trên đất đồi (đỏ vàng): Đạm (N)200-230kg/ha, Lân 80-100kg/ha, Kali 150-180 kg/ha.
  • Canh tác trên đất phèn: Đạm (N)200-250kg/ha, Lân 100-120kg/ha, Kali 180-220 kg/ha.
  • Canh tác trên đất phù sa sổ: Đạm (N)180-220kg/ha, Lân 70-90kg/ha, Kali 160-180 kg/ha.

Lưu ý: Ở những vùng có lượng mưa lớn, xói mòn mạnh nên bón bổ sung các phân có chứa trung và vi lượng như sắt, man-gan và ma-nhê để bộ rễ cây được khỏe mạnh, cây cứng khỏe.

Bón lót trước khi gieo hom mía

Bón lót trước khi gieo hom mía
  • Đất trồng mía có pH dưới 5, cần bón lót vôi bột (CaO) trước lần cày bừa cuối cùng, với lượng từ 800 – 1.000 kg/ha.
  • Bón lót toàn bộ phân hữu cơ, phân lân, 1/3 lượng đạm và 1/3 lượng kali. Trường hợp cần phải xử lý mối và bọ hung thì bón thêm thuốc trừ sâu dạng hạt (20 – 30 kg/ha thuốc chứa hoạt chất Dimethoate, Rotenone.. trừ bọ hung, xén tóc; Imidacloprid trị sâu đục thân..v.v… .
    Liều lượng phân được khuyến cáo với phân hữu cơ: 10 – 20 tấn (phân chuồng, phân rác, bã bùn, tro,…)   hoặc 1 – 2 tấn phân hữu cơ vi sinh/ha.

Ngay sau khi bón lót, nên lấp 1 lớp đất mỏng 1 – 3 cm rồi mới đặt hom.

Bón thúc cho mía

Sau khi bón phân cần san lấp đất để hạn chế bốc hơi, rửa trôi phân

Bà con nên chia làm hai lần bón thúc.

Lần 1 là bón thúc đẻ khi cây mía đạt 4-5 lá, lúc này thực hiện bón 1/3 lượng đạm, 1/3 lượng kali.

Lần 2 là bón thúc cho cây mía ra lóng, thực hiện khi cây mía đạt 9-10 lá. Bà con bón 1/3 lượng đạm và 1/3 lượng kali.

Trước khi bón thúc, bà con cần dọn sạch cỏ dại, để vườn thông thoáng, sạch sẽ. Đất phải đủ độ ẩm, Rải phân dọc theo hàng mía. sau khi bón phân, phải xáo đất lấp phân để hạn chế tình trạng bốc hơi do nắng nóng hay rửa trôi do mưa.

Để vựa mía đạt năng suất, ngoài việc phòng trừ sâu bệnh, bón phân cân đối theo hướng dẫn, bà con cũng cần chú ý về tưới tiêu và làm cỏ. Chỉ tiến hành tưới nước bổ sung cho mía vào các giai đoạn khô hạn kéo dài, đặc biệt là giai đoạn mọc mầm, đẻ nhánh và đầu vươn lóng. Cần thường xuyên làm cỏ vườn, đảm bảo cho đất tơi, xốp, thoáng khí, giúp mía sinh trưởng tốt.