Đặc điểm hình thái và sinh học của bọ xít hôi
- Bọ xít hôi hoạt động mạnh cả ngày lẫn đêm. Chúng có xu tính yếu đối với ánh sáng đèn, thường bay vào đèn những đêm có mưa gió, con đực vào bẫy, bả nhiều hơn con cái. Chúng cũng ưa mùi hôi, tanh.
- Con trưởng thành đẻ hoạt động giao phối vào ban ngày, hoạt động mạnh nhất vào lúc sáng sớm và chiều mát, buổi trưa nằm im.
- Một con cái đẻ trung bình từ 250-300 trứng, bọ xít trên lúa đẻ khoẻ hơn trên cỏ.
- Trứng hình bầu dục, có vết lõm ở giữa, mới đẻ có màu trắng đục, sau chuyển dần màu nâu đen, đẻ thành ổ 1-2 hàng dài sát nhau dọc trên lá lúa, bẹ lúa hoặc bông lúa, mỗi ổ từ 10-20 trứng, sau khi nở phần trên quả trứng có một lỗ nhỏ. Trứng nở vào buổi sáng
- Bọ xít non hình dạng giống trưởng thành, đuôi nhọn, màu xanh lá mạ, không có cánh. Bọ xít non mới nở sống tập trung quanh ổ trứng, nhưng chỉ sau 2-3 giờ là phân tán lên bông lúa để chích hút nhựa cây và sau 2-5 ngày lột các lần thứ nhất.
- Cả bọ xít non và trưởng thành đều chích hút dịch cây trên bông lúa đặc biệt khi lúa trỗ – chín sáp bị hại nặng làm lúa lép lửng, năng suất giảm, gạo đen, ăn có vị đắng.
- Bọ xít trưởng thành có màu xanh vàng hơi pha màu nâu, cánh màu nâu vàng, mình thon mảnh, chân dài, râu dài, có mùi hôi.
- Bọ xít dài trưởng thành khi hút dịch ở bông lúa non nếu bị khua động thì rơi ngay xuống và lẩn trốn ngay lập tức.
Triệu chứng gây hại
- Bọ xít non và bọ trưởng thành đều tập trung hút dịch trong hạt lúa đang ngâm sữa, để lại vết thâm đen trên hạt, làm cho hạt lửng hoặc đen lép. Bị hại nặng hạt lúa lép, gạo xay dễ vỡ, ăn có vị đắng, năng suất và phẩm chất bị giảm. Mật độ bọ xít cao gây giảm năng suất rất lớn, có nơi không cho thu hoạch.
- Chúng thường gây hại nặng trên ruộng lúa trỗ lẻ tẻ không tập trung, ruộng xen kẽ các xóm nhà, đồi, rừng bị hại nặng hơn.
Điều kiện phát sinh gây hại
- Nhiệt độ từ 27-29 °C và ẩm độ từ 80-85 % thích hợp cho bọ xít. Thường trời có nhiều mây, âm u, ẩm, ít mưa, ít gió thích hợp cho bọ xít phát triển; vì vậy bọ xít thường gia tăng mật số vào các tháng 8, 9 trong vụ Hè Thu, lúc lúa từ trổ đến vào chắc và tiếp tục gia tăng đến cuối vụ Đông Xuân. Lúc này ruộng không còn lúa, bọ xít di chuyển sang các ký chủ phụ.
- Bọ xít xuất hiện và phá hại vào giai đoạn lúa trỗ đến chắc xanh. Thời tiết mát, mưa nhiều thích hợp cho bọ xít phát triển. Những ruộng trỗ muộn so với các ruộng khác trong cánh đồng thường bị hại nặng.
- Sau khi mưa, trời hửng nắng hoạt động mạnh. Cuối vụ mùa, trời mát hoạt động cả trưa và chiều.
- Giai đoạn trưởng thành bọ xít dài qua đông ở trên cỏ ven rừng, trong vườn, ruộng có nhiều cỏ, thảm mục, ống tre, nứa trong làng, rừng, rồi chuyển sang lúa Đông Xuân. Sau khi gặt lúa xong, bọ xít lại chuyển sang các cây cỏ, lau sậy, mạ, lúa hè thu, lúa mùa.
Biện pháp phòng, trừ
Áp dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM)
- Vệ sinh đồng ruộng, dọn sạch cỏ ở các bờ ruộng hoặc sơn bờ ruộng, diệt trừ cỏ dại, cây dại là nơi trú ngụ của bọ xít dài.
- Bố trí thời vụ hợp lý để lúa trổ cùng thời điểm trên cánh đồng.
- Những vùng thường xuyên bị bọ xít gây hại nặng, có thể gieo sạ một số diện tích sớm để nhử bọ xít rồi tiêu diệt.
- Có thể tổ chức đốt đuốc để bẫy bọ xít trưởng thành ra rộ.
- Sử dụng một số tác nhân dẫn dụ bọ xít tập trung để dễ tiêu diệt như: dùng các bó lá xoan ngâm nước tiểu hoặc ngâm trong nước cá giã nhỏ cho thêm mẻ chua một ngày hoặc buộc gốc rạ thành từng bó nhúng một đầu nước ốc, cua, nhái chết có pha thuốc trừ sâu, đem cắm lên các cọc bố trí quanh ruộng khi mặt trời lặn để trừ bọ xít.
- Dùng biện pháp thủ công, dùng vải thô may thành vợt, vợt bắt bọ xít vào buổi sáng sớm và lúc chiều tà.
Phòng trừ bọ xít bằng biện pháp hóa học thường ít hiệu quả,
Khi bọ xít tập trung với mật độ cao (> 6 con/m2) trong diện tích hẹp ở giai đoạn trổ – ngậm sữa có thể sử dụng thuốc hóa học
Phun vào sáng sớm hoặc buổi chiều.